Công an xã Trung Môn (Yên Sơn) phối hợp công an huyện phụ trách xã triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn (Ảnh nguồn Internet)
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao chất lượng đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân.
Mục tiêu cụ thể: Tập trung đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn. Kiềm chế và kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông và vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự so với năm trước, mỗi địa phương kéo giảm ít nhất 05% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với thống kê năm 2019 (khi chưa xảy ra dịch COVID-19).
Đến hết năm 2025, có 99% số xã đạt chỉ tiêu 19.2 của tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; 50% số xã đạt chỉ tiêu 19.2 của tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao theo hướng bền vững.
Đến hết năm 2025, có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chỉ tiêu 9.4 của tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chỉ tiêu 9.1 của tiêu chí số 9 về An ninh, trật tự - Hành chính công trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp gồm: (1) Hoàn thiện các văn bản pháp lý làm cơ sở cho việc thực hiện Chương trình; (2) Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự góp phần xây dựng nông thôn mới; (3) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh chính trị ở địa bàn nông thôn; (4) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn; (5) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn nông thôn; (6) Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an xã chính quy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; (7) Tăng cường củng cố mối quan hệ phối hợp trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn.
Về nguồn vốn: Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Để tổ chức thực hiện Quyết định số 926/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình; Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện Chương trình theo quy định của Luật NSNN; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới, tổ chức xây dựng, nhân rộng điểm mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới.