Vĩnh Phúc: Áp dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình hoạt động toàn diện, tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tại Vĩnh Phúc hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng NTM.

Mô hình trồng cam không hạt (cam V2) chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Với phương châm KHCN “đi trước một bước” để tìm ra những cách làm hay, những mô hình hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân, ngành KHCN Vĩnh Phúc đã phối hợp các sở, ngành liên quan nghiên cứu vận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh triển khai có hiệu quả hoạt động ứng dụng KHCN phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM như: định hướng cho các địa phương xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đề xuất xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Chỉ tính trong giai đoạn 2012-2017, Vĩnh Phúc đã triển khai, áp dụng 12 dự án, 150 đề tài, 70 tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ được nhân rộng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, phù hợp với vùng miền, làm tăng hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả thiết thực và thân thiện với môi trường.

Tiêu biểu là mô hình thử nghiệm một số giống lúa thơm chất lượng cao để phát triển mạnh thương hiệu gạo Long Trì; chanh đào, bưởi Diễn, bưởi da xanh sản xuất hàng hóa; cây dược liệu ba kích, đinh lăng, trà hoa vàng; chăn nuôi lợn ngoại lai, bê sữa, trâu Murrah, cá tầm, rô phi đơn tính; ứng dụng cà chua ghép trên gốc cà tím sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học BIO-TMT làm đệm lót chuồng chăn nuôi gà... Đồng thời, đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển nhãn hiệu cho một số sản phẩm: Rắn Vĩnh Sơn, Gạo Long Trì, Cá thính Lập Thạch, Thanh long ruột đỏ Lập Thạch, Rượu Ba kích và Trà hoa vàng Tam Đảo nhằm phát triển thương hiệu, tạo bước chuyển quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các địa phương.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 130 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP với hơn 80 cơ sở sản xuất rau, quả, sản lượng khoảng 35 ngàn tấn/năm; hơn 50 cơ sở chăn nuôi lợn thịt và nuôi thủy sản với sản lượng trên 3.300 tấn thịt/năm. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân khu vực nông thôn với thu nhập bình quân trong khu vực đạt 31 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2017; đưa Vĩnh Phúc tiến gần hơn tới mục tiêu Tỉnh NTM với 98/112 xã và 2 huyện đạt chuẩn.

Xác định nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp nên nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, thâm canh với phương thức sản xuất tiên tiến, đảm bảo chất lượng sản phẩm và ổn định thị trường.


Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, thăm mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Tam Dương.

Tại Hội nghị tổng kết chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2012-2017 và định hướng giai đoạn 2018-2020 do Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tháng 8/2018, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định vai trò, tầm quan trọng của KHCN làm tăng hiệu quả sản xuất, góp phần đổi mới nông thôn và cải thiện đời sống nông dân trong tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh, với quan điểm lấy KHCN làm nền tảng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp và dịch vụ, tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chủ động rà soát, phát hiện những vấn đề cấp thiết trong xây dựng NTM để đề xuất đưa vào chương trình KHCN địa phương. Tập trung triển khai các nhiệm vụ khoa học gắn với những vấn đề cấp thiết của thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi theo hướng ưu tiên triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất phát huy lợi thế của từng địa bàn dân cư vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân. 

Theo vanhien.vn

Tin cùng chuyên mục