Thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển Nông thôn mới

Ngày 11/06, tại Hà Nội, Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức Hội Thảo Lồng ghép giới trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu về các vấn đề giới và trao quyền cho phụ nữ trong Chương trình giai đoạn 2010 - 2020 và trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị về lồng ghép giới trong xây dựng Chương trình MTQG NTM giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: “Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, trong xây dựng Nông thôn mới nói riêng. Phụ nữ vừa là chủ thể tham gia xây dựng Nông thôn mới, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của Chương trình".

Một trong những khuyến nghị quan trọng được đưa ra tại hội thảo là vấn đề giới cần phải được giải quyết như là một biến kinh tế - xã hội mang xuyên suốt trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới. Theo đó, bình đẳng giới nên được phản ánh trong các nội dụng của Chương trình cũng như các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, ở bất kỳ nội dung và lĩnh vực nào phù hợp và có liên quan.

“Định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình… vẫn còn tồn tại ở một số gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội (kể cả ở địa phương đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới). Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới. Ở nhiều địa phương, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình vẫn được coi là “thiên chức” của người phụ nữ”, ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, nêu ra một số vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, phụ nữ và gia đình trong xây dựng Nông thôn mới cần tiếp tục quan tâm, thảo luận.


Phụ nữ tham gia trồng hoa, cây cảnh làm đẹp đường nông thôn.

Thông qua hội thảo lần này, đơn vị tổ chức và nhóm nghiên cứu bao gồm UN Women, Hội LHPN Việt Nam, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, và Viện chiến lược và chính sách Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cùng chia sẻ và tham vấn về các kết quả nghiên cứu về các vấn đề giới qua 10 năm triển khai chương trình Nông thôn mới.

Quan trọng hơn, hội thảo tạo ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và chuyên gia trong lĩnh vực này cùng thảo luận và chia sẻ cách thúc đẩy, lồng ghép giới trong các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, cụ thể là CTMTQG NTM giai đoạn tiếp theo, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn có một cuộc thảo luận hiệu quả về các khuyến nghị thực tế và khả thi để phát triển một chương trình ứng phó về giới nhằm đảm bảo lợi ích và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trong giai đoạn 2021-2030. Chương trình này sẽ không chỉ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả, mà quan trọng hơn là hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện” - bà Elisa Fernandez Senz, Trưởng Đại diện văn phòng UN Women tại Việt Nam, phát biểu tại buổi hội thảo.

Bài, ảnh: Thùy Dung/Nông thôn Việt

Tin cùng chuyên mục