Sức sống nông thôn mới vùng biên cương Cao Lộc

Hoa đào nở trên đỉnh núi huyện biên cương Cao Lộc - Lạng Sơn, một mùa Xuân mới lại về. Khác với những mùa Xuân trước, năm nay, đồng bào ở xã Tân Liên, đón Tết Nguyên đán Tân Sửu trong niềm vui hân hoan, khi “cuộc đua” xây dựng nông thôn mới năm qua nơi đây đã cán đích, làm đổi thay tích cực diện mạo vùng quê trước đây thuộc diện xã nghèo và đặc biệt khó khăn, nhân thêm niềm vui trong bức tranh xây dựng nông thôn mới vùng cao huyện Cao Lộc.

Nỗ lực để vươn lên

Những ngày cuối năm Canh Tý 2020, chúng tôi về xã miền núi Tân Liên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, một trong những xã vùng biên giới phên dậu phía Bắc của Tổ quốc. Mùa Đông với những đợt rét hại đã lùi xa, tiết trời ấm áp của mùa Xuân đang tràn về, dường như trên những con đường bê tông trải dài khắp thôn xóm, công trình điện, nhà văn hóa, lớp học mới xây dựng khang trang và trên những cánh đồng rau xanh mướt... cũng ấm áp, nhộn nhịp, rộn ràng Xuân.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Đặng Văn Đàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Liên - cho biết: Xã Tân Liên có 4.214 nhân khẩu, với 947 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày (chiếm 54,6%) và Nùng (chiếm 45,4%). 6 năm về trước, Tân Liên vẫn nghèo, thuộc diện xã đặc biệt khó khăn. Đường vào xã hoàn toàn là đường đất nhỏ, lối đi chật hẹp. Mùa mưa, muốn vào được Tân Liên giao thông rất khó khăn, đường xá lầy lội. Mùa nắng, thì cát bụi ảnh hưởng tới sức khỏe, gây nhiều phiền toái cho sinh hoạt đời sống cũng như sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa của người dân. Hàng trăm hộ gia đình khi đó vẫn rất khó khăn về kinh tế…, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 9,3%.


Xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn ngày càng đổi thay nhờ nông thôn mới

Nay thì đã khác. Xuân này, bà con xã Tân Liên đón Tết Nguyên đán cổ truyền Tân Sửu với niềm vui lớn. Bởi những nỗ lực sau nhiều năm phấn đấu của cả hệ thống chính trị từ cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ nguồn lực từ các doanh nghiệp, đặc biệt là từ chính sự nỗ lực vào cuộc của người dân, “cuộc đua” xây dựng nông thôn mới của xã Tân Liên đã về đích thành công trước khi khép lại năm Canh Tý 2020.

“Niềm vui không chỉ là “tấm bằng” công nhận xã Tân Liên đạt chuẩn nông thôn mới, mà quan trọng hơn diện mạo xã đã đổi thay tích cực, đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa, xã hội… của bà con nơi đây ngày càng được cải thiện; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn khoảng trên 5%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 36 triệu đồng/người/năm. Trên 80% đường giao thông nông thôn xã Tân Liên đã được bê tông hóa” - ông Đặng Văn Đàn phấn khởi nói.

Có được sự thay đổi tích cực này, trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, xã Tân Liên đã tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới không phải làm cho ai khác, mà là làm cho quê hương mình đổi thay, gia đình mình khá giả lên, bớt đói nghèo đi, đời sống ấm no hơn. Nhờ vậy, bà con đều rất đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, hiến đất, đóng góp ngày công hoặc kinh phí để chung tay cùng Nhà nước và doanh nghiệp thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình và khu dân cư văn hóa…

Bên cạnh đó, để thay đổi nhận thức và cách làm, nâng cao sản lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, xã đã tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, mùa vụ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân. Nhờ đó, giá trị thu nhập trên một diện tích đất nông nghiệp canh tác tại Tân Liên, bình quân đã tăng từ 30 triệu đồng/ha năm 2015 lên 50 triệu đồng/ha năm 2020.

Trường mầm non xã Tân Liên, huyện Cao Lộc mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp

Bà Dương Thị Oai - Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau an toàn xã Tân Liên - cho hay: Với sự hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật của các ban ngành, chính quyền xã, từ năm 2018, hợp tác xã chuyển sang trồng rau theo quy trình VietGap giúp năng suất, chất lượng và thu nhập cao hơn so với quy trình canh tác truyền thống. Hiên hợp tác xã có khoảng 5ha trồng rau, củ, thu nhập có thể đạt trên 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 42 hộ xã viên.

Trên cánh đồng rau nhà mình, bà Dương Thị Hiệp - thôn Nà Hán, xã Tân Liên - chia sẻ: Cả thôn chúng tôi hiện nay đều trồng rau, củ như khoai tây, su hào... Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, năng suất trồng rau đã tăng gấp đôi so với trước. Trước đây, trồng su hào chỉ đạt 5 tạ/sào, nhưng nay đạt 1 tấn/sào, mang lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm.

“Ban đầu, chúng tôi không ai hiểu nông thôn mới là gì. Khi được cán bộ tuyên truyền, bắt tay vào làm rồi mới biết, nông thôn mới chính là những việc làm cải thiện đời sống người dân. Một đời gắn bó với mảnh đất này, giờ tôi mới nhận thấy được sự đổi thay rất lớn của quê hương mình, có điện thắp sáng, đường xá sạch đẹp, có nước sạch để dùng, trạm y tế và trường học, nhà trẻ… đều rất khang trang. Kinh tế thôn bản, cũng như của gia đình mình đang từng bước phát triển bài bản, ổn định hơn. Từ người già đến trẻ nhỏ, chúng tôi đều rất vui khi cuộc sống ngày càng khởi sắc” - bà Dương Thị Hiệp bày tỏ.

Nối dài niềm vui

Cao Lộc là một huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lạng Sơn, có trên 74km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trên địa bàn hiện có 5 dân tộc ít người sinh sống là Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa. Đây là một huyện chịu đựng khí hậu khắc nghiệt, đời sống của người dân rất khó khăn, chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Nhưng nay, kết nối giao thông giữa các xã trong huyện đã bớt gian nan hơn, giao thương cũng ngày càng được thuận lợi. Thế nên, ngay cả trong cái lạnh buốt giá của núi rừng, trong không khí Xuân về, người dân vẫn bền bỉ tăng gia sản xuất, để cuộc sống ấm áp, no đủ hơn.


Mô hình trồng rau theo quy trình VietGap tại xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Duy Anh - Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc - cho biết: Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, trong năm 2020, huyện Cao Lộc đã có thêm 1 xã về đích nông thôn mới nâng cao, 2 xã về đích nông thôn mới bao gồm đó có xã Tân Liên với 19/19 tiêu chí đã đạt chuẩn. Đời sống người dân ở các xã này đến nay đã có nhiều thay đổi, bộ mặt nông thôn mới nhiều khởi sắc, người dân rất tự hào. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện Cao Lộc đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch phấn đấu đề ra.

“Mặc dù, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, kết quả thu ngân sách không đạt yêu cầu…, nhưng cả hệ thống chính trị của huyện đã nỗ lực, với sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân, huyện Cao Lộc đã hoàn thành các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội đề ra năm 2020, trong đó có chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới” - ông Nguyễn Duy Anh nhấn mạnh.

Báo cáo của UBND huyện Cao Lộc cho thấy, với 70% dân làm nông nghiệp, nhờ chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được chú trọng, đã giúp sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất năm 2020 đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch. Đến hết năm 2020, tỷ lệ số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa (được rải nhựa hoặc bê tông) đã đạt 98,27%; tỷ lệ số thôn có đường ô tô đến đã được cứng hóa đạt 58%...

Xuân về, nhiều du khách thường chọn Xứ Lạng để du Xuân, bởi cảnh quan, con người nơi đây đẹp, hùng vĩ, nhân văn đã đi vào ca dao xưa: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Những địa danh nổi tiếng này không ở đâu khác, thuộc huyện Cao Lộc. Đến với Cao Lộc hôm nay, người ta không chỉ khám phá vẻ đẹp đã đi vào ca dao, mà còn có thể chứng kiến trên vùng đất này có thêm nhiều đổi thay từ thành quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Người dân Cao Lộc - Xứ Lạng, đã biết cách tự làm thay đổi mình về mọi mặt, đoàn kết và sáng tạo hơn, tạo nên những chuyển biến mới về đời sống, văn hóa của mỗi nhà, mỗi người, của bản làng... ngày càng được cải thiện, ấm no, hạnh phúc hơn.

Bài, ảnh: Quỳnh Nga-Ngọc Quỳnh/Congthuong.vn

Tin cùng chuyên mục