Sáng tạo trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, góp sức thực hiện thành công các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động. Điển hình phải kể đến cuộc vận động “Toàn đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, đích đến nông thôn mới của Vĩnh Phúc đã ở rất gần khi toàn tỉnh có 2 huyện Yên Lạc và Bình Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới; 2 thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định, xét công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 95/112 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 83 xã đã được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, tỉnh cũng đã gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là ở giai đoạn nửa sau của chương trình khi nhiều dự án, công trình xây dựng nông thôn mới phải cắt giảm, siết chặt theo Luật Đầu tư công. Trong khi đó, yêu cầu nguồn lực huy động không được quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới khiến người dân một số nơi có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, còn chính quyền địa phương lại lúng túng, đau đầu tìm hướng giải quyết.


Xác định rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, cùng chính quyền địa phương lần lượt hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới

Để giải bài toán trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, làm tốt công tác tuyên truyền để huy động sức dân một trong những giải pháp quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thành bại trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đóng vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cùng vào cuộc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đã chủ động xây dựng các phong trào, mô hình phù hợp với hoạt động của tổ chức mình.

Gần 8 năm qua, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã triển khai xây dựng hàng nghìn mô hình khu dân cư, tuyến đường, tuyến phố văn hoá, đường làng, ngõ xóm, tuyến phố xanh, sạch, đẹp, tự quản về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hoá trong kinh doanh, ứng xử, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tự quản bảo vệ môi trường, dòng họ khuyến học, cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi... Một trong những cách làm sáng tạo đã và đang được MTTQ tỉnh thực hiện có hiệu quả cao là thành lập mô hình nhóm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ 83 mô hình điểm nhóm nòng cốt có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân tại khu dân cư tích cực tham gia hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, gìn giữ, duy trì có hiệu quả các tiêu chí đó, đến nay, mô hình nhóm nòng cốt đã phát huy hiệu quả và được triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó, nhiều địa phương như: Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Tam Dương đã xây dựng được 100% nhóm nòng cốt tại các khu dân cư. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của địa phương, tổ chức đoàn thể hướng dẫn nhân dân đóng góp ý kiến; trực tiếp tham gia hoạt động giám sát, thanh tra các công trình nông thôn mới để kịp thời phát hiện, phản ánh những sai phạm nếu có và đề xuất các giải pháp nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới.

 Từ năm 2016 đến nay, MTTQ và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân trong tỉnh tự nguyện hiến hơn 900.000 m2 đất các loại, góp gần 300.000 ngày công lao động và trên 430 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo ntmoi.vinhphuc.gov.vn

Tin cùng chuyên mục