Khi lòng dân đồng thuận

Sau một thời gian triển khai thực hiện, phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn) đã trở thành việc làm rất gần gũi với người dân, được bà con tích cực chung tay hưởng ứng.

Các đường trục thôn, liên thôn của xã Dương Quang dài 8km, đến nay đã được cứng hoá 6,4km.

Tuyên truyền tạo sự đồng thuận

Đồng chí Lâm Văn Tiềm- Chủ tịch UBND xã Dương Quang chia sẻ: Xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia của toàn dân. Do đó, cùng với việc xây dựng và ban hành nghị quyết, thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới và Ban phát triển ở 10/10 thôn trên địa bàn, xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Việc tuyên truyền được thực hiện thông qua những hình thức phong phú như lồng ghép với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; “Vệ sinh môi trường nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”; phát động các phong trào thi đua như: Xây dựng gia đình văn hóa, bản làng bản hóa, làm kinh tế giỏi; phát huy tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trưởng bản, người có uy tín trong việc tham gia, vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình vận động, cán bộ xã đã giúp người dân hiểu rõ mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, cũng như những lợi ích to lớn khi xây dựng nông thôn mới. Do vậy bà con đã chủ động, tự nguyện đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tuyến đường Quan Nưa – Bản Giềng dài 1km đã được bê tông hóa. Ông Chu Kế Thu- trưởng thôn Bản Giềng cho biết: “Bản Giềng trước đây đi lại khó khăn, đường nhỏ hẹp, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi bặm. Vì vậy mà hàng hóa, nông sản của bà con làm ra tiêu thụ rất khó do bị ép giá vận chuyển. Khổ nhất là các cháu học sinh mùa mưa phải đến trường trên con đường lầy lội bùn đất…”.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, việc mở đường vào thôn ban đầu rất khó khăn vì phần lớn người dân đều sợ mất đất. Thấy vậy, ông Thu và chi bộ thôn đến từng nhà vận động, phân tích, thuyết phục để người dân hiểu được lợi ích của việc làm đường giao thông. Những nỗ lực đó đã thu được kết quả tích cực, người dân đã hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường, trong đó có cả những hộ còn khó khăn, thu nhập thấp.

Ông Lâm Văn Hè- người dân ở thôn Bản Giềng đã tự nguyện hiến 100m2 đất, bày tỏ: “Trước đây, do chưa hiểu mục đích của việc xây dựng nông thôn mới là mang lại lợi ích chủ yếu cho người dân, nên khi nhắc đến việc tham gia đóng góp tôi còn nhiều băn khoăn. Song nhờ được trưởng thôn và cán bộ xã tích cực tuyên truyền, tôi và bà con trong thôn đã hiểu lợi ích thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới nên đã đồng tình tham gia. Giờ đây, con đường bê tông phẳng lì dài hơn 500m, rộng 2,5m đúng chuẩn nông thôn mới đã hoàn thành, không chỉ tô điểm cho bản làng thêm đẹp mà còn mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội rõ rệt.

Nỗ lực hoàn thành các tiêu chí

Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Dương Quang đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch theo lộ trình đối với từng tiêu chí, phù hợp với thực tế ở địa phương.

Ðể nâng cao thu nhập cho người dân, hàng năm UBND xã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng thôn; phối hợp với các phòng chuyên môn của thành phố hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, phát triển khai hoang tăng diện tích lúa nước. Nhờ đó, tổng diện tích gieo cấy cả năm của xã đạt 165/148ha, sản lượng đạt 857/761,9 tấn. Chăn nuôi dần phát triển theo hướng hàng hóa; người dân có ý thức chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng hơn trước.

Ðặc biệt, công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được xã chú trọng quan tâm với việc thực hiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ tham gia kinh doanh, phát triển dịch vụ trên địa bàn. Hiện toàn xã có gần 24 hộ kinh doanh dịch vụ các loại, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trên địa bàn.

Nhằm nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã đã triển khai hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người dân từ nguồn vốn nông thôn mới như: Dự án trồng cây chuối tây hiện trên địa bàn xã có khoảng 77,9ha, sản lượng thu hoạch khoảng 500 tấn/năm; Mô hình trồng cây mơ vàng, đến nay diện tích thực hiện chăm sóc khoảng 10ha, sản lượng thu hoạch khoảng 15 tấn/năm… Năm 2018, thực hiện mô hình trồng cây mơ; mô hình trồng cây mít thái; mô hình trồng cây khoai tây; mô hình chăn nuôi gà thịt với 251 hộ tham gia, với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Ðến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 30 triệu đồng/người/năm (tăng 4 triệu đồng so với năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,72% năm 2017 xuống còn 2,42% năm 2018.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân và những kết quả về phát triển về kinh tế - xã hội đã đạt được, tin rằng Dương Quang sẽ tiếp tục thu được nhiều kết quả hơn nữa trong việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân./.

Bài, ảnh: Báo Bắc Kạn

Tin cùng chuyên mục