Hà Giang: Nhiều cách làm sáng tạo

Với cách làm sáng tạo và tinh thần chỉ đạo sát sao, có trọng tâm, trọng điểm, Phong trào thi đua "Hà Giang chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)" giai đoạn 2016 – 2020 đã góp phần quan trọng để địa phương hoàn thành nhiệm vụ.

Thực hiện Phong trào thi đua "Hà Giang chung sức xây dựng NTM", từ thành phố đến các huyện đã tổ chức nhiều phong trào thi đua tiêu biểu như: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM", " Nông dân thi đua xóa đói, giảm nghèo xây dựng NTM", "Phong trào hiến đất", "Ngày thứ 7 tình nguyện hướng về NTM", "Mỗi tuần một việc", "Dân vận khéo", "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc", "Ngày Chủ nhật xanh"... Các phong trào thi đua đều được triển khai trên nguyên tắc "Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi, dân quản lý và phát huy", nhờ đó đã thu hút được sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và đồng bào các dân tộc.


Sản xuất chè hàng hóa giúp đồng bào Cờ Lao (huyện Hoàng Su Phì) phát triển kinh tế

Trên cơ sở xây dựng NTM gắn với xây dựng làng văn hoá du lịch và thực hiện chương trình quy tụ, sắp xếp, ổn định dân cư..., nhiều địa phương của Hà Giang đã xuất hiện những cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả như: Thôn tự chủ, tự quản tại huyện Bắc Quang; nhân rộng cây ấu tẩu, thảo quả ở huyện Quản Bạ; trồng cam sành theo quy trình VietGAP ở huyện Bắc Quang; tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi lợn hàng hóa tại huyện Xín Mần; Quỹ phát triển thôn ở xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên...

Bên cạnh đó, để huy động sức dân hoàn thành các công trình NTM, Ban chỉ đạo Xây dựng NTM phân công cụ thể các cơ quan, đơn vị phụ trách thường xuyên xuống cơ sở; tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức ngày thứ 7 xuống cùng với nhân dân làm đường giao thông nông thôn; các xã thành lập tổ, đội phụ trách về kỹ thuật làm đường giao thông; huy động các tầng lớp nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất xây dựng công trình phúc lợi; đoàn viên, thanh niên xã đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng NTM. Tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các huyện, thành phố với UBND tỉnh.

Riêng với phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, Hà Giang xác định rõ: Làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân thông qua thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Cách làm này không chỉ khuyến khích được tinh thần phát huy nội lực của người dân, mà còn giảm bớt gánh nặng trong điều kiện nguồn lực xây dựng NTM còn hạn chế. Song song với hoạt động xây dựng NTM, để bổ sung Quỹ xây dựng NTM, các cơ quan, đơn vị của Hà Giang còn thực hiện tiết kiệm thêm 5% chi thường xuyên từ ngân sách; đồng thời, vận động cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân đóng góp tiền để bổ sung cho quỹ.

Từ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân, đến hết năm 2019, Hà Giang đã có 38 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 11 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí. Có 8 xã về đích trước 2 năm - hoàn thành vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Năm 2020, Hà Giang đang phấn đấu thực hiện hoàn thành công nhận 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã đạt chuẩn NTM.

Bài, ảnh: Phương Tú/Báo Công Thương Điện Tử

Tin cùng chuyên mục