Để sản phẩm OCOP đứng vững trên thị trường

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, Chương trình đã lan rộng tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm OCOP chưa có chỗ đứng trên thị trường, khó tiêu thụ...

Phát triển các điểm bán hàng và quảng bá góp phần đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Trên thực tế, có rất nhiều sản phẩm OCOP chất lượng tốt, có tiềm năng phát triển, song hầu như các chủ thể còn lúng túng trong việc xây dựng và nâng tầm thương hiệu; chưa tạo ra sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng…

Đơn cử, Hợp tác xã (HTX) Ong mật Điện Biên được thành lập năm 2019, với mục tiêu tạo thương hiệu và nâng cao giá trị mật ong Điện Biên trên thị trường. Tham gia Chương trình OCOP năm 2019, sản phẩm “Mật ong hoa ban” của HTX đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp loại 4 sao, song việc mở rộng thị trường còn khó khăn.

Anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc HTX cho biết: “HTX quy mô nhỏ, kinh phí hoạt động hạn hẹp nên thị phần sản phẩm trên thị trường còn hạn chế, kể cả khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Hiện nay, HTX chủ yếu bán mật thô cho thương lái các tỉnh miền xuôi, với giá thành rẻ, chỉ bằng 1/2 giá trị mật ong thành phẩm”.

Tại Hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng hồi giữa tháng 10, sản phẩm Cổ trà Shan được bày bán tại gian hàng của HTX Hoàng Đức Dịu, huyện Quản Bạ (Hà Giang) lại không được nhiều người mua.

Bà Séo Thị Xuân, Giám đốc HTX cho biết, đây là lần thứ 2 HTX tham dự hội chợ ở Hà Nội, lần đầu mang 100 gói chè Cổ trà Shan xuống để bán và giới thiệu, nhưng chỉ bán được vài gói. Lần này kết quả vẫn thế. “Ở Hà Giang loại chè này bán được nhiều cho khách du lịch cũng như người dân. Nhưng không hiểu vì sao khi mang đi hội chợ lại không bán được”, bà Xuân chia sẻ.

Để xây dựng được sản phẩm OCOP, người nông dân, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực, song kết nối sản phẩm OCOP vào thị trường ổn định chính là vấn đề cấp bách để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả Chương trình ở mỗi địa phương. Vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thì chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm hoàn tất các yếu tố bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, hội thảo...

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT), “nút thắt” lớn nhất trong việc sản phẩm OCOP chưa được tiêu thụ nhiều là do liên kết, mở rộng thị trường trong nước và thế giới chưa tốt. Phát triển theo chu trình OCOP cũng là phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, vì thế việc đánh giá, gắn sao cho sản phẩm mới chỉ là bước đầu. Phần tiếp theo cũng là phần then chốt giúp chuỗi tồn tại là xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.

“Việc phát triển các điểm bán hàng và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng là khâu quan trọng nhất, tạo nên hệ thống phân phối hiệu quả, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng...”, ông Tiến nhấn mạnh.

Bài, ảnh:Hồng Minh/baodantoc.vn

Tin cùng chuyên mục