Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Nỗ lực nước rút về đích

Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện đang trong thời kỳ chuyển tiếp giữa hai giai đoạn, vừa nỗ lực nước rút về đích, vừa chuẩn bị cho hành trình "chạy bền" tiếp theo. Xây dựng NTM đi vào chiều sâu là mục tiêu được đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình MTQG xây dựng NTM đạt những kết quả tích cực

Đã có 5.177 xã đạt chuẩn NTM

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến tháng 6/2020, cả nước đã có 5.177 xã đạt chuẩn NTM, tăng 371 xã so với cuối năm 2019. 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí NTM/xã. Đặc biệt, 127/664 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (19,1%). Bên cạnh đó, 2 tỉnh Nam Định, Đồng Nai được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, còn có Thái Bình đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM - đánh giá, chương trình thực sự là "luồng gió" đổi mới tích cực cho phát triển kinh tế nông thôn, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân khu vực này. Mặc dù vậy, quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Bởi, xây dựng NTM không chỉ là khánh thành xong con đường, làm xong công trình thôn, xã mà chính là nâng cao chất lượng sống, tăng thu nhập cho người nông dân. Trong khi đó, nhiều nơi vẫn chưa chú ý phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch nông thôn. Kiểm soát an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường một số nơi còn lơ là. Đáng chú ý, việc xét đạt chuẩn tiêu chí NTM một số nơi còn dễ dãi, thậm chí có nơi còn "nợ" tiêu chí.

Xây dựng đề án triển khai giai đoạn mới

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương - nhận định, năm 2020 được xác định là năm bản lề, thời điểm để đánh giá lại những gì đã thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị cho giai đoạn mới 2021 - 2025. Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM xác định, có hai nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tập trung đôn đốc, kiểm tra, rà soát để hoàn thành mục tiêu cao nhất của chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trình cấp có thẩm quyền thông qua chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, phải xây dựng các đề án nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ việc thực hiện chương trình giai đoạn tiếp theo.

Đề án đầu tiên là xây dựng chủ trương đầu tư của Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ để họp thẩm định cấp nhà nước. Dự kiến, vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư để làm căn cứ triển khai chương trình ngay khi bắt đầu năm 2021.

Đề án thứ 2, xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025. Bộ NN&PTNT đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành phố và 21 bộ, ngành để dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Quyết định ban hành Bộ tiêu chí. Định hướng giai đoạn mới này, Bộ tiêu chí quốc gia sẽ có 3 cấp độ gồm cấp xã, huyện và tỉnh. Hiện, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên thí điểm xây dựng Đề án tỉnh NTM. Khi Hà Tĩnh triển khai, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ đánh giá, xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ tiêu chí cấp tỉnh đạt chuẩn NTM vào thời điểm thích hợp.

Đề án thứ 3, kiện toàn hệ thống văn phòng điều phối NTM các cấp. Đến nay, dự thảo này đã được Bộ Nội vụ đồng ý về nguyên tắc và sẽ triển khai lấy ý kiến của các địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Mục tiêu cơ bản của giai đoạn tới là phấn đấu có tối thiểu 80% số xã đạt chuẩn NTM (hiện con số này là 60%); trong đó, có ít nhất 40% số xã NTM nâng cao, 10% số xã NTM kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025, không còn xã nào đạt dưới 15 tiêu chí. Đối với cấp tỉnh, phấn đấu có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Dự kiến, tổng nguồn vốn huy động để triển khai chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 2.144.902 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tiến, 40% còn lại là những xã rất khó khăn. Do đó, trong các giải pháp triển khai chương trình giai đoạn 2021 - 2025, đầu tiên cần tăng cường nguồn lực, hướng đến mục tiêu không còn xã dưới 15 tiêu chí và trong 15 tiêu chí đó phải đạt được các tiêu chí về hạ tầng thiết yếu tác động trực tiếp đến người dân như giao thông, thủy lợi, môi trường, công nghệ thông tin… Bên cạnh đó, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động để thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân, cần phải hỗ trợ đẩy mạnh các mô hình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Những địa phương có quỹ đất lớn có thể chuyển đổi từ trồng rừng kém hiệu quả, cây giá trị thấp sang trồng rừng cây gỗ lớn có giá trị cao hoặc chuyển đổi sang mô hình cây ăn quả. Cũng trong nội dung về kinh tế, phải thúc đẩy các hoạt động sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó chú trọng chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), hướng tới góp phần phát huy được sản phẩm đặc sản truyền thống của từng vùng miền và nâng cao thu nhập người dân gắn với phát huy được tiềm năng du lịch nông thôn của các xã, huyện ở vùng khó khăn.

Với các giải pháp tổng thể về tăng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh tế nông thôn cùng giải pháp về cán bộ, ông Nguyễn Minh Tiến kỳ vọng, việc triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM trong giai đoạn mới ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có nhiều khởi sắc, từng bước theo kịp tiến độ xây dựng NTM của cả nước.

Sau năm 2020, xây dựng NTM phải dựa trên nguyên tắc kế thừa kết quả, kinh nghiệm của giai đoạn trước; đúc rút ra những bài học trong quá trình thực hiện để tránh chạy theo phong trào.

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương Điện Tử

Tin cùng chuyên mục