Xây dựng nông thôn mới ở Thanh Tương

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân, xã Thanh Tương, huyện Na Hang đang nỗ lực phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020. Hiện nay toàn xã đang thực hiện nhiều biện pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm duy trì những tiêu chí đã đạt được và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt chuẩn.

Xác định việc nâng cao thu nhập cho người dân là một nội dung cốt yếu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, do đó ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Tương đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, tiềm năng, thế mạnh và những khó khăn, hạn chế trong phát triển sản xuất trên địa bàn xã; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện của xã để xây dựng, bổ sung các quy hoạch, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Thôn Bản Bung là thôn khó khăn nhất của xã Thanh Tương, nằm cách trung tâm xã gần 7 km, với 49 hộ gia đình sinh sống. Người dân trong thôn chủ yếu là dân tộc Dao và Tày. Nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng, đất sản xuất ít nên việc phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của bà con gặp nhiều khó khăn. Trước những khó khăn về thiếu đất sản xuất, người dân Bản Bung đã lựa chọn chăn nuôi để phát triển kinh tế, trong đó chú trọng vào phát triển chăn nuôi lợn, gà, trâu, đặc biệt tận dụng nguồn nước sẵn có, bà con nhân dân đã tập trung phát triển chăn nuôi thủy sản, chăn nuôi cá chép ruộng. Với diện tích trên 3.000 m2 ao, gia đình ông Nông Văn Thiên đã lựa chọn phát triển chăn nuôi các loại cá. Vốn có kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm nên đàn cá của gia đình ông luôn phát triển tốt, ít dịch bệnh. Từ việc chăn nuôi cá đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông. Bên cạnh việc nuôi cá ở ao, gia đình ông Thiên và bà con nhân dân trong thôn còn tập trung phát triển chăn nuôi cá chép ruộng, hướng phát triển kinh tế này đang được bà con nhân dân trong thôn lựa chọn thực hiện và đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể.


Mô hình nuôi cá của gia đình ông Nông Văn Thiên, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang

Mô hình chăn nuôi lợn thịt được các hộ dân của thôn Nà Làng định hướng là mô hình phát triển kinh tế chính cho gia đình. Đến thăm gia đình ông Tô Vĩnh Diệm là một trong các hộ chăn nuôi lợn thịt có quy mô lớn của thôn. Với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, đàn lợn của gia đình ông được chăm sóc tốt nên không xảy ra dịch bệnh. Trong quá trình chăn nuôi, ông Diệm luôn lựa chọn những con giống chất lượng, chú trọng nguồn thức ăn đảm bảo để đàn lợn tăng trưởng tốt. Không phụ công người chăn nuôi, mỗi lứa lợn thịt khi xuất chuồng cũng gần 100 con lợn. Sau khi trừ chi phí, mỗi lứa cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình Diệm từ 70-100 triệu đồng.

Phát triển nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Xã Thanh Tương đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách về nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh tập trung các loại nông sản là thế mạnh của địa phương. Đặc biệt phát huy hiệu quả của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo được HTX Nông nghiệp Minh Quang triển khai thực hiện từ năm 2019. Từ nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới, HTX Nông nghiệp Quang Minh đã được hỗ trợ để triển khai mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo. Việc đưa mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo quy trình kỹ thuật được tập huấn đã dần thay đổi tư duy chăn nuôi của người dân trên địa bàn xã Thanh Tương. Từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt người chăn nuôi sẽ dần tiếp cận với cách thức chăn nuôi mới, thúc đẩy đàn vật nuôi phát triển.

Bên cạnh việc chú trọng phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy chính quyền và nhân dân xã Thanh Tương cũng đang tích cực hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã. Với phương châm  “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, những con đường bê tông, những ngôi nhà mới kiên cố, điện đường trường trạm đầy đủ, bộ mặt nông thôn mới ở xã Thanh Tương đang từng ngày khởi sắc. Thực hiện Dự án phát triển hạ tầng du lịch thuộc Khu du lịch sinh thái Na Hang, xã Thanh Tương có tuyến đường dài 6,6 km lên thôn Bản Bung với kinh phí thực hiện 16 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện Dự án, huyện Na Hang phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền xã, thôn, tổ chức tuyên truyền vận động người dân trong thôn tự nguyện hiến đất để làm đường. Thôn Bản Bung có 49 hộ thì có tới 39 hộ có đất nằm dọc tuyến đường. Người dân nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như ý thức trách nhiệm của gia đình, bản thân trong việc đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất để tham gia xây dựng nông thôn mới. 100% số hộ đều tự nguyện hiến đất để làm đường, có những hộ đã hiến trên 1.000 m2 đất.

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã Thanh Tương chưa hoàn thành thì có tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm được xã xác định là một trong tiêu chí khó thực hiện. Thôn Nà Coóc cách trung tâm xã Thanh Tương gần 20 km, toàn thôn có 60 hộ, người dân trong thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày và Dao. Thôn bị tách biệt bởi dòng sông Gâm nên việc đi lại, giao thương trao đổi hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Những năm trước, việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn vẫn còn có ở rất nhiều hộ gia đình trong thôn, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân, rác thải không được thu gom đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan. Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là thực hiện tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm, ý thức của người dân đã được nâng lên. Hiện nay, 100% số hộ trong thôn đã đăng ký xây dựng 03 công trình vệ sinh, đã có gần 50 hộ trong thôn đã hoàn thành 03 công trình và đã đưa vào sử dụng. Rác thải cũng được người dân thu gom đúng nơi quy định, môi trường nông thôn ở Nà Cooc đã dần được nâng lên.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, Chính quyền và nhân xã Thanh Tương đã không ngừng nỗ lực, tích cực huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ đó sau nhiều năm thực hiện Chương trình đã đạt được những kết quả đáng kể,  kinh tế - xã hội của xã đã có bước phát triển khá, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc, các khu dân cư đã có những đổi mới như: chỉnh trang nhà cửa, xây dựng tường rào của các hộ gia đình, công tác vệ sinh đường làng ngõ xóm được thực hiện hàng tuần, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp hơn… Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, an ninh trật tự được củng cố vững chắc. Hiện nay xã Thanh Tương đã đạt được 16/19 tiêu chí, còn 3 tiêu chí (Giao thông, Nhà ở dân cư và Thu nhập) chưa hoàn thành đang được cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân nỗ lực để thực hiện; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/người/năm để cán đích nông thôn mới vào cuối năm nay theo đúng lộ trình đã đề ra./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục