Đổi thay ở An Lịch

- Đến thôn An Lịch, xã Đông Lợi (Sơn Dương) hôm nay, nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi sự thay da đổi thịt của miền quê này. Những mô hình, việc làm cụ thể đã đưa vùng quê nghèo có bước chuyển mình mạnh mẽ, là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã.

Đồng chí Đặng Ngọc Giang, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn An Lịch chia sẻ, chỉ cách đây vài năm, con đường vào thôn là đường mòn, nhỏ hẹp, mỗi đợt mưa xe đạp, xe máy qua thôn đều phải dắt bộ, đi từ trung tâm xã vào thôn mất hơn tiếng đồng hồ. Thu nhập của người dân chủ yếu là cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng nay đã khác rồi. An Lịch thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra các sản phẩm hàng hoá chủ lực có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình kinh tế đã xuất hiện, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.


Mô hình nuôi dê thả đồi của gia đình chị Lương Thị Sản, thôn An Lịch (Đông Lợi).

Mô hình kinh tế của chị Lương Thị Sản là một điển hình. Chị Sản phấn khởi kể, năm 2013, do nguồn vốn còn hạn hẹp, chị chỉ nuôi 10 con dê. Sau mỗi lứa dê đẻ chị Sản giữ lại gây đàn. Đến nay, gia đình chị duy trì hơn 40 con dê, mỗi năm thu lãi hơn 35 triệu đồng. Năm 2019, sau khi đã có nguồn vốn từ nuôi dê, chị Sản tận dụng  0,6 ha ao nuôi cá trắm, trôi, chép. Tháng 6 - 2020, chị Sản được lãi hơn 40 triệu đồng. Cuối năm gia đình sẽ thu số cá còn lại, ước lãi 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Cường là người tiên phong trong thôn trồng cây ăn quả. Ông Cường cho biết, năm 2017,  gia đình ông trồng 4,3 ha bưởi, chanh. Cuối năm 2019, ông Cường thu hoạch hơn 10 tấn chanh, với giá bán 15.000 đồng/kg. Từ nguồn thu nhập từ bán chanh ông tiếp tục đầu tư chăm sóc cây bưởi. Năm 2015, gia đình ông còn mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư nuôi lợn. Mới đầu ông chỉ nuôi 10 con lợn nái, đến năm 2019, gia đình ông mở rộng quy mô nuôi hơn 80 con lợn thương phẩm và 17 con lợn nái. Từ khi có đường bê tông, thương lái đến tận nhà để thu mua lợn, giá bán cao hơn trước từ 2 đến 3 giá mỗi kg lợn hơi. Từ chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả, gia đình ông thu lãi hơn 350 triệu đồng/năm.

Thôn An Lịch có 127 hộ với 526 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn đã giảm từ 17 hộ năm 2019 xuống còn 12 hộ năm 2020. Cuộc sống của người dân từng bước được nâng cao, nhờ đó đã tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở. Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 22-5-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, bà con trong thôn đóng góp ngày công lao động, cát sỏi, góp tiền làm 645m đường giao thông liên thôn; đóng góp hơn 60 triệu đồng hoàn thành xây dựng 253m đường nội đồng và 940m kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và giao thương hàng hóa của nhân dân.

 Năm 2017, để hoàn thành xây dựng nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao, nhân dân trong thôn đã đóng góp tiền mua vật liệu và công xây dựng. Tổng số tiền huy động nhân dân và con em làm ăn xa ủng hộ là hơn 164 triệu đồng. Năm 2018, thôn đã có nhà văn hóa khang trang phục vụ sinh hoạt cộng đồng và phát triển thể dục, thể thao của nhân dân.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Chủ tịch UBND xã Đông Lợi cho biết, An Lịch là 1/14 thôn đi đầu trong phát triển kinh tế của xã. Người dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như trồng cây ăn quả, keo, nấm; nuôi cá, dê... Nhân dân trong thôn luôn đoàn kết trong phát triển kinh tế, đời sống không  ngừng được cải  thiện.

Bài, Ảnh: Lý Thu/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục