Xã hội hóa nguồn lực - Chìa khóa thành công xây dựng cơ sở hạ tầng ở Sơn Dương

Với quan điểm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, theo đó hàng loạt các công trình, dự án, các khu, cụm, điểm công nghiệp hình thành và phát triển mang tính động lực phục vụ nhu cầu cần thiết cho chính người dân. Sơn Dương đang được đánh giá là địa phương tiên phong trong việc huy động đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và sử dụng hiệu quả nguồn lực đó để phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Giang Tuấn Anh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường tại xã Trường Sinh

Một trong những chìa khóa dẫn đến thành công đó là khởi đầu của các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh như: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết 15, năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hoá, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Mới đây là Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025… được ban hành hợp với lòng dân, được nhân dân huyện Sơn Dương đón nhận và hồ hởi bắt tay vào thực hiện, khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ xây dựng kết cấu hạ tầng đã cho thấy tầm nhìn, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận thực hiện của người dân đã tạo nên diện mạo mới cho Sơn Dương.

Tuyến đường ĐT185 Kỳ Lâm - Hợp Hòa - Thiện Kế đang được thi công xây dựng

Vốn xã hội hóa được xác định là một trong những nguồn lực đầu tiên, quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Năm 2021, công trình cải tạo, nâng cấp đường ĐT185 Kỳ Lâm - Hợp Hòa - Thiện Kế có tổng chiều dài toàn tuyến trên 19,7km được triển khai xây dựng bằng kết cấu xi măng. Trên tuyến thiết kế 4 cầu xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Công trình được Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ. Ngay sau khi có chủ trương làm tuyến đường, xác định việc cấp thiết để triển khai dự án là công tác giải phóng mặt bằng, nên cấp ủy, chính quyền, mặt trận cùng các tổ chức chính trị xã hội xã Thiện Kế đã vào cuộc tuyên truyền vận động nhân dân. Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế cho biết: Đảng ủy xã đã lãnh đạo thành lập 3 tổ giải phóng mặt bằng, mỗi tổ có từ 5 - 7 người. Lãnh đạo BTV Đảng ủy, thường trực UBND xã phụ trách từng tổ cùng với MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội của xã, thôn đến từng hộ để tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, chỉ trong thời gian ngắn, 118 hộ dân ở thôn Cầu Xi, Vạt Chanh, Phố Dò, xã Thiện Kế sống hai bên đường đã tình nguyện hiến hơn 4.348 m2 đất, tháo dỡ tường rào, cây trồng trên đất để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Có thể thấy, Đảng bộ, chính quyền xã Thiện Kế đã vận dụng sáng tạo công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất làm tuyến đường ĐT185, được coi là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công trong thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Ông Trần Văn Minh, thôn Vạt Chanh, xã Thiện Kế là hộ gia đình hiến nhiều đất nhất để làm tuyến đường này với 200 m2 đất và 80 m bờ rào. Ông Minh cho biết: Đơn vị thi công làm đường đến đâu thì gia đình tự giải phóng mặt bằng đến đó, không đòi hỏi đền bù.

Việc phát động phong trào nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng không phải không có khó khăn. Ban đầu, nhiều người dân cứ nghĩ đấy là việc của Nhà nước. Nhưng khi được trực tiếp thảo luận, bàn bạc, người dân mới hiểu ra xây dựng trước hết cần phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết và nỗ lực của mọi người. Nhưng thời buổi hiện nay “tấc đất, tấc vàng”, để vận động người dân hiến hàng chục, hàng trăm mét vuông đất quả là không dễ. Với quyết tâm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, cấp ủy, chính quyền các xã kiên trì, không quản nắng mưa, khuya sớm vận động bà con hiến đất làm đường. Nhiều hộ dân ban đầu chưa thông, kiên quyết không ủng hộ, muốn được đền bù. Cán bộ xã và thôn kiên trì thuyết phục, giải thích thấu đáo để nhân dân hiểu, và đồng thuận ủng hộ.


Thôn Thác Nóng, xã Sơn Nam huy động 100% nguồn xã hội hóa làm tuyến đường nhựa

Tuyến đường rải nhựa sạch đẹp, dài gần 1 km, trị giá gần 1,7 tỷ đồng được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa của doanh nghiệp và nhân dân thôn Thác Nóng, xã Sơn Nam hoàn thành vào giữa năm 2021 đã đem lại diện mạo cho thôn nông thôn mới. Mỗi hộ dân đóng góp trên 2,6 triệu đồng, còn lại huy động xã hội hóa các doanh nghiệp trên địa bàn. Chỉ trong 2 ngày, đoạn đường nhựa dài gần 1 km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui phấn khởi của nhân dân. Những đóng góp tích cực của nhân dân thôn Thác Nóng để làm đường rải nhựa đã góp phần đưa công tác xã hội hóa trở thành phong trào sâu rộng, tạo nền tảng để góp phần đưa xã trở thành nông thôn mới nâng cao trong năm 2021 và đạt đô thị loại V trong tương lai.

Với nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, nhân dân tự giải tỏa hành lang, nạo vét rãnh dọc, lắp dựng hệ thống thoát nước; các doanh nghiệp ủng hộ kinh phí, vật liệu, phương tiện kỹ thuật và tổ chức thi công. Nhờ đó, trong những năm gần đây huyện Sơn Dương đã cứng hóa được nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như; Tuyến đường ĐT185 Thiện Kế đi Ninh Lai dài 5 km; tu sửa 20,5km tuyến đường Kỳ Lâm- Thiện Kế- Sơn Nam với kinh phí trên 10 tỷ đồng; đoạn đường km số 33 đường ĐT186 thuộc địa bàn xã Văn Phú; đường vào trường mầm non xã Sầm Dương; đoạn ĐH21 từ Đông Thọ- Đông Trai dài trên 4 km; đường ĐH 04 từ Vĩnh Lợi đến Cấp Tiến. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành các tuyến đường giao thông trọng điểm như: Tuyến đê dọc sông Lô với chiều dài hơn 36 km qua địa bàn 7 xã Vĩnh Lợi, Cấp Tiến, Đông Thọ, Quyết Thắng, Vân Sơn, Hồng Lạc, Trường Sinh; Tuyến đường ĐT 186 từ xã Thượng Ấm đi xã Sơn Nam...đã đáp ứng lòng mong đợi của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Sơn Dương có những con đường đi lại thuận lợi.

Sơn Dương cũng đã cơ bản cứng hóa tuyến đường từ Dộc Vầu, xã Vân Sơn đi Phan Lương xã Trường Sinh với vốn đầu tư 45 tỷ đồng; Công trình đường ĐH 04 từ thôn Đĩa, xã Cấp Tiến đi thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ; tuyến đường Đồng Chanh đi Tân Tiến, xã Lương Thiện; đường ĐH13 từ Quốc lộ 2C đi thôn Ao Xanh, xã Sơn Nam; hoàn thiện xây dựng tuyến đường ĐH21 đoạn từ thôn Sài Lĩnh đi thôn Lãng Cư, xã Quyết Thắng.


Đoạn tuyến ĐT186 địa phận trung tâm xã Phú Lương được chỉnh trang tạo diện mạo mới cho nông thôn  

Huyện Sơn Dương tiếp tục đề xuất với tỉnh đầu tư một số tuyến đường như: ĐH06 Chi Thiết - Phú Lương; đường ĐH08 Tuân Lộ - Đông Thọ; đường từ xã Lương Thiện đi xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Huyện đang hoàn thành chỉnh trang trung tâm các xã theo phương châm xã hội hóa lát vỉa hè, rãnh thoát nước, điện chiếu sáng...gắn với các khu phát triển thương mại, dịch vụ và xây dựng nông thôn mới. Đây là nhiệm vụ mới luôn cần có sự chung tay ủng hộ, đóng góp sức người, sức của, hiến đất mở đường, xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị văn minh. Anh Lê Văn Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Long Thắng cho biết: Trong những năm qua, Công ty đã ủng hộ các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện và xây dựng nông thôn mới ở địa phương với số tiền trị giá gần 1 tỷ đồng.


Nhà văn hóa thôn Dộc Vầu, xã Vân Sơn đang được xây dựng bằng 100% nguồn huy động xã hội hóa

Huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng kết cấu hạ tầng thể hiện rõ nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ 2011 đến nay đã lên tới con số trên 2 nghìn tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước; vốn lồng ghép từ các Chương trình, Dự án, vốn vay tín dụng, vốn huy động từ các doanh nghiệp, HTX, trong đó nhân dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hiến hàng trăm nghìn m2 đất và tài sản trên đất để xây dựng nên những công trình, hoàn thành các dự án, đem lại diện mạo mới cho quê hương Sơn Dương.

Chính nhờ thu hút được nguồn lực xã hội hóa một cách mạnh mẽ, nên hệ thống giao thông, trường, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa... được xây dựng theo hướng hiện đại và đồng bộ. Cũng chính từ phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đến nay huyện Sơn Dương đã cứng hóa được hơn 1.370 km đường giao thông nông thôn, đạt 68,4%. Toàn huyện hiện có 30 nhà văn hoá xã, thị trấn và có 399/400 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa và đã đầu tư xây dựng được 26 trụ sở làm việc của các xã, thị trấn; 15 trạm y tế xã được xây mới; 96/107 trường học được đầu tư xây dựng kiên cố; lắp đặt được trên 258 km kênh mương; Đổ bê tông, rải nhựa trên 36/36km đê kết hợp đường giao thông...

Tuyến đê dọc sông Lô từ xã Vĩnh Lợi đi xã Trường Sinh đã được xây dựng tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân

Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và các khu, cụm công nghiệp… là một trong ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Dương lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, huyện Sơn Dương đang tranh thủ các nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tạo diện mạo mới cho nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp tạo động lực đưa Sơn Dương trở thành trung tâm phát triển kinh tế khu vực phía Nam của tỉnh.

Bài, ảnh: Hương Giang/sonduong.gov.vn

Tin cùng chuyên mục