Tuyên Quang: Anh Nguyễn Văn Khoa trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế

Thôn 8 xã Minh Phú, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, bước đầu thanh công và mang lại hiệu quả kinh tế, sản phẩm an toàn cho người sử dụng.

Anh Nguyễn Văn Khoa (ảnh trên) cho biết: Sau khi thực hiện nhiều mô hình với các giống cây trồng, vật nuôi khác nhau nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn, anh Khoa bắt đầu tìm hiểu và bắt tay vào thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Đầu năm 2020, anh Khoa mạnh dạn đầu tư 700 triệu đồng xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, trên diện tích hơn 1.500m2 với khoảng 3.500 dây dưa lưới.

A Khoa cho biết thêm, quá trình sinh trưởng, phát triển của loại dưa lưới là 2,5 tháng, tương đương 75 ngày tuổi sẽ cho thu hoạch, sau mỗi vụ thu hoạch thì ngưng khoảng 2 tuần để vệ sinh và có thể sản xuất liên tục 4 vụ/ năm mà không cần phụ thuộc điều kiện thời tiết. Chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng cây phát triển tốt, sau 75 ngày trồng dưa cho thu hoạch trên 3 tấn quả, trọng lượng từ 1,3 - 1,7 kg mỗi quả, giá bán giao động 30.000 đồng/kg, với diện tích gieo trồng trừ mọi chi phí thu khoảng 50 triệu đồng.

Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của anh Khoa đang sử dụng có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, anh luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn để sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mới để cho một vụ dưa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây cũng là cơ  hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng đến các vùng lân cận, giúp cho người nông dân  tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang.

Bài, ảnh: Phúc Thái Sơn/vanhien.vn

Tin cùng chuyên mục