Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cấp uỷ, chính quyền xã đã ban hành kế hoạch thực hiện cho từng năm, từng giai đoạn. Phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ phụ trách các chi bộ để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc ngay từ cơ sở, đồng thời phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong việc phát triển kinh tế, qua đó tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; tiếp nhận, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, mô hình để chuyển giao ứng dụng. Đặc biệt là cây ăn quả và cây nguyên liệu gỗ được xác định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Với tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế lâm nghiệp, để khai thác được lợi thế về nguồn quỹ đất, cơ cấu lao động nông thôn nhằm tập trung phát triển rừng, nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, đồng thời để kinh tế rừng trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế… Ngay sau Đại hội, cấp uỷ, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo các chi bộ tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh công tác trồng và phát triển rừng, thực hiện tốt việc giao đất lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên kết trồng rừng với mục tiêu là nâng cao được giá trị kinh tế theo chuỗi giá trị của sản phẩm. Cùng với đó là khuyến khích, tạo điều kiện để thành lập các HTX sản xuất nông lâm nghiệp để gắn kết những hộ trồng rừng. Qua quá trình triển khai thực hiện đã được người dân đồng tình ủng hộ. Hiện nay trên 90% hộ dân trên địa bàn xã thực hiện phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó trồng, chăm sóc, bảo vệ trên 3.700 ha rừng và đã có hơn 1.700 ha rừng được công nhận chứng chỉ FSC.
Để được cấp chứng chỉ rừng trong việc trồng, chăm sóc và phát triển rừng theo tiêu chuẩn rừng FSC không đơn giản, vì phải tuân thủ theo một quy tắc, quy trình nghiêm ngặt, nhất là với những người nông dân đã quen với kỹ thuật trồng và chăm sóc thông thường. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân để người dân nhận thức được ý nghĩa của trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC là rất quan trọng. Từ khi HTX Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy được thành lập, các thành viên của HTX đã mạnh dạn đứng ra vận động, phối hợp với các tổ chức, chuyên gia giúp đỡ người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC. Không chỉ xuất phát từ những lợi ích lâu dài mà còn vì lợi ích của mỗi người dân. Thời gian đầu đi tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, các thành viên HTX phải đến từng hộ gia đình, lên từng lô rừng. Hiện nay, rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC của các hộ dân trên địa bàn xã phát triển nhanh, rừng keo 5 năm tuổi phát triển tương đương với rừng keo 9 năm tuổi được trồng theo cách thông thường, sản lượng gỗ cũng tăng từ 10-15%. Qua đó, thu nhập của các hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn được nâng cao, đặc biệt là bảo vệ được môi trường.
Trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Tiến Bộ
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, cấp uỷ, chính quyền xã cũng xác định chuyển đổi phương thức sản xuất trong nông nghiệp, lựa chọn cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất là giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế nông, lâm nghiệp ở địa phương phát triển bền vững. Do vậy xã đã tổ chức quy hoạch các vùng sản xuất, hướng người nông dân thay đổi tập quán canh tác theo quy mô trang trại và gia trại. Chính việc hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh tập trung đã từng bước xóa bỏ tập quán canh tác manh mún, hướng đến những mô hình có quy mô và giá trị kinh tế cao và nhất là gắn kết được việc tìm đầu ra cho các sản phẩm. Bên cạnh việc tập trung phát triển trồng trọt, xã còn chú trọng tuyên truyền vận động bà con nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trong đó tập trung vào chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ gia đình nhờ tập trung phát triển và nâng cao quy mô chăn nuôi nên đã có được nguồn thu nhập cao, ổn định.
Đời sống được nâng cao, nhân dân trên địa bàn xã đã có điều kiện để đóng góp công sức, tiền của tham gia xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn thiết yếu như: bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá kênh mương nội đồng; xây dựng nhà văn hóa, lắp đặt đường điện chiếu sáng… Nhờ đó diện mạo nông thôn được thay đổi từng ngày.
Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, đặc biệt là quyết tâm phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Đảng bộ, chính quyền xã Tiến Bộ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình phát triển nông, lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tiếp tục huy động tốt các nguồn lực trong nhân dân để nâng cao chất lượng các tiêu chí hạ tầng dân sinh và hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất phục vụ phát triển kinh tế, phấn đấu đưa Tiến Bộ trở thành xã phát triển khá của huyện Yên Sơn./.