Hệ thống phân phối và bán lẻ Nông sản xanh Sáng Nhung
Hoạt động hiệu quả
Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của Hợp tác xã trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời nhằm khắc phục những khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi nông hộ, năm 2018 anh Nguyễn Ngọc Sáng, thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương đã vận động các hộ gia đình chăn nuôi lợn thành lập Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung (HTX). HTX được thành lập với hoạt động, dịch vụ chủ yếu là chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm; chế biến các sản phẩm từ thịt lợn; giới thiệu và bán các mặt hàng nông sản đặc trưng, đặc sản của tỉnh Tuyên Quang và các vùng miền.
Sau 5 năm thành lập, quy mô chăn nuôi của HTX không chỉ trong tốp đầu của tỉnh mà còn đi đầu áp dụng nuôi lợn thịt bằng thức ăn thảo dược; toàn bộ thức ăn được phối trộn thảo dược từ thiên nhiên như đinh lăng, cỏ nhọ nồi, cát sâm, cà gai leo, kim ngân, gừng, tỏi, hoa hồi, quế…. Từ mô hình chăn nuôi khép kín HTX đã từng bước xây dựng thành chuỗi đạt tiêu chuẩn cung cấp sản phẩm thịt lợn thảo dược ra thị trường, nhằm đem đến cho người tiêu dùng thịt lợn chất lượng cao với cam kết "sạch từ trang trại đến bàn ăn", lợn được chăn nuôi theo quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn 3F (“Feed – Farm – Food”) - tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến nhất được áp dụng trong ngành chăn nuôi hiện nay. Trong đó, Feed là thức ăn chăn nuôi được đảm bảo đầy đủ các yếu tố về cân đối dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của vật nuôi và tuân thủ nguyên tắc giảm thiểu ô nhiễm môi trường qua chất thải; Farm là trang trại chăn nuôi phát triển theo quy mô công nghiệp; Food là sản phẩm chăn nuôi được quản lý nguồn gốc nghiêm ngặt, hoàn toàn cam kết không dùng chất tạo nạc hay bất kì hóa chất nào nằm trong danh mục chất cấm của Cục Chăn nuôi. Hiện nay, quy mô chăn nuôi thường xuyên của HTX với gần 300 con lợn nái, hơn 4.000 con lợn thương phẩm theo chuỗi khép kín, trung bình mỗi tháng cung cấp cho thị trường trên 40 tấn lợn thịt bảo đảm tiêu chuẩn an toàn sinh học. Sản phẩm Thịt lợn sạch Sáng Nhung đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ nhãn hiệu năm 2020. Đến nay, HTX đã có 03 sản phẩm được công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, gồm: Xúc xích thịt lợn Sáng Nhung, Giò lụa thịt lợn Sáng Nhung và Thịt lợn Sáng Nhung.
Cửa hàng phân phối nông sản an toàn Tâm Hương
HTX Nông sản an toàn Tâm Hương hiện có 03 cửa hàng giới thiệu và bày bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng, tiềm năng của các địa phương trong tỉnh với hơn 120 sản phẩm như: Bưởi Soi Hà, na Lực Hành, cam Hàm Yên, bột sắn dây, bột nghệ, dầu lạc, mắm cá, cá đặc sản...; các sản phẩm đều được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng thuận lợi trong việc tìm hiểu, kiểm tra về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Hiện mỗi ngày HTX tiêu thụ khoảng 2 tấn nông sản, sản phẩm các loại.
Được thành lập trên địa bàn xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, nơi cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, mũi nhọn của địa phương; HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ, trang bị cơ sở vật chất hiện đại để phát triển mạnh mẽ sản phẩm chè khô, nhãn hiệu “Ngọc Thúy Trà”. Sản phẩm chè của HTX thuộc dòng sản phẩm đặc sản chất lượng cao, đã tiếp cận được với thị trường trong tỉnh và các thị trường lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng… được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Định hướng phát triển của Hợp tác xã sẽ tiếp tục xác định sản phẩm chủ lực là chè đặc sản và chè chất lượng cao, bên cạnh sản phẩm chè đặc sản Ngọc Thúy, HTX sẽ phát triển thêm sản phẩm chè chất lượng cao từ giống chè LDP1 với vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là sản phẩm được đảm bảo về chất lượng an toàn thực phẩm từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra. HTX đã xây dựng và đăng ký nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, sử dụng tem điện tử mã cod QR để truy xuất nguồn gốc. Đến nay, các sản phẩm của HTX đã và đang được khách hàng trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định tin dùng. Hiện HTX đang tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8-9 triệu đồng trên người/tháng.
Vai trò tiên phong, chủ lực
Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững không thể thiếu vai trò chủ lực của các HTX. Trong những năm gần đây, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh cả số lượng và chất lượng; lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 417 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Các HTX đã tích cực giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP; phối hợp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các đơn vị có liên quan kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee... Đến hết tháng 12/2022, toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của của 134 chủ thể (gồm: 104 hợp tác xã, 11 doanh nghiệp, 04 tổ hợp tác và 15 hộ kinh doanh), trong đó có: 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 01 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (chè Shan Tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá). Về số lượng sản phẩm, tỉnh Tuyên Quang đứng thứ 4 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP sẽ được tỉnh ưu tiên lựa chọn, giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản đến các siêu thị, các đơn vị phân phối tiêu thụ sản phẩm có uy tín trên toàn quốc. Đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có 04 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý gồm: cam sành Hàm Yên, bưởi Soi Hà -Yên Sơn, chè Shan tuyết Na Hang và rượu ngô men lá Na Hang.
Ngoài ra, các HTX còn đẩy mạnh Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, triển khai, nhân rộng những mô hình, đề tài, dự án khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh như: Mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Thái Bình huyện Yên Sơn, quy mô 350 đàn/7 hộ; Mô hình chăn nuôi dê sinh sản thực hiện tại xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, quy mô 50 con/5 hộ; Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ phát triển đàn bò thịt chất lượng cao trên địa bàn huyện Yên Sơn và Sơn Dương; Đang triển khai 06 mô hình khuyến nông: Mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ, quy mô 5,0 ha tại huyện Yên Sơn; Mô hình trồng mít siêu sơm TL1 theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 3,0 ha tại huyện Yên Sơn; Mô hình nuôi vịt thương phẩm (vịt bầu đất) an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, quy mô 3.000 con tại huyện Hàm Yên; Mô hình liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh học hướng tới xây dựng thương hiệu, quy mô 6.000 con tại huyện Sơn Dương; Mô hình cải tạo đàn dê theo hướng nâng cao giá tri gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 100 con tại huyện Na Hang; Mô hình nuôi cá chép ruộng gắn với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại huyện Chiêm Hóa... Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Tuyên Quang đã làm thay đổi tư duy, sản xuất của người dân; góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển
Tiếp tục phát huy và khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15/12/2020 của HĐND tỉnh về quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 02/02/2023 của UBND tỉnh Ban hành quy định về “hợp tác xã có quy mô thành viên đủ lớn” thực hiện chỉ tiêu 13.1 thuộc Tiêu chí số 13 (Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn) trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025. Tập trung đôn đốc, hướng dẫn các chủ thể xây dựng các dự án và tổ chức thẩm định để triển khai thực hiện. Đến nay có 14 chủ thể xây dựng Dự án sản hỗ trợ xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó 03 Dự án sản xuất cam, bưởi; 03 Dự án sản xuất rau hữu cơ; 02 Dự án sản xuất lạc hữu cơ; 01 Dự án sản xuất dược liệu; 02 Dự án chăn nuôi hữu cơ; 03 Dự án sản xuất chè. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2025. Mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 720 hợp tác xã, tốc độ tăng bình quân hợp tác xã khoảng 4,5%/năm, số lượng thành viên tăng bình quân 5%/năm đối với hợp tác xã và 10% đối với tổ hợp tác; lợi nhuận bình quân một hợp tác xã tăng 10%/năm, tổ hợp tác tăng bình quân 12%/năm; đảm bảo 60% số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá.
Sản xuất theo hướng hữu cơ
Thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, vừa bảo đảm thu nhập cho thành viên và người dân vừa tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo môi trường sinh thái…sản xuất nông nghiệp tỉnh đang đi theo hướng hàng hóa, hình thành nhiều vùng chuyên canh, điển hình như vùng bưởi, cam, chè... Sản phẩm cam sành Hàm Yên đã hai lần được bình chọn Top 10 loại trái cây nổi tiếng bậc nhất Việt Nam; bưởi Phúc Ninh cũng nằm trong danh sách Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng do Hội người tiêu dùng Việt Nam bình chọn...
Theo số liệu từ ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh Tuyên quang có 21 ha chè hữu cơ, 33 ha cam hữu cơ và 57 ha bưởi hữu cơ, đây là nền tảng để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đang hỗ trợ người nông dân, tổ hợp tác, HTX chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ hướng tới các sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng, bảo vệ môi trường... để đưa các sản phẩm nông sản tỉnh vươn xa hơn.
HTX chè Ngân Sơn Trung Long (xã Trung Yên, huyện Sơn Dương) hiện có 20 ha chè của 8 thành viên. Xây dựng thương hiệu chè sạch, 5 năm trước, HTX đã thực hiện các quy trình trồng chè hữu cơ với diện tích trên 3 ha. Việc tái thiết lại "sức khỏe" cho đất luôn là nhiệm vụ được các thành viên trong HTX quan tâm. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 1,7 tấn chè khô hữu cơ/3ha, giá bán bình quân 700 nghìn đồng/kg (cao gấp 3,5 lần so với sản xuất thông thường), doanh thu trên 1 tỷ đồng.
HTX Thảo Mộc Việt (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên) tuy mới đi vào hoạt động hơn 1 năm nhưng đã có nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận. Một trong những điểm khác biệt đó là những dòng sản phẩm của HTX đều lấy nguyên liệu từ vùng sản xuất hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ nên được người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. Đến nay, HTX có 8 sản phẩm bán ra thị trường gồm cam sấy lạnh, trà túi lọc các loại. Trung bình mỗi tháng trong quý I/2023, HTX Thảo Mộc Việt bán ra khoảng 2.000 hộp trà các loại. Các sản phẩm trà cà gai leo giúp giải độc, mát gan; Tâm An Trà giúp an thần, nâng cao chất lượng giấc ngủ… Nhờ chất lượng sản phẩm và vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tốt nên các sản phẩm của HTX có giá bán cao hơn các sản phẩm tương đồng trên thị trường khoảng 10% nhưng vẫn được các đối tác, bạn hàng và khách hàng đón nhận. Hiện nay, HTX đã có 3 sản phẩm đạt 3 sao OCOP, trong năm 2023 dự kiến sẽ đăng ký thêm 4 sản phẩm và thi nâng hạng các sản phẩm đã được công nhận đạt 3 sao OCOP…
Ông Lê Hải Nam Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2023 Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về kinh tế tập thể từ cấp tỉnh đến các hợp tác xã; phát huy vai trò “cầu nối” hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi; đồng thời đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tăng cường triển khai các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cũng luôn bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình hoạt động, giúp các hợp tác xã củng cố tổ chức, xác định tư cách thành viên, phát huy nội lực, tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giữa các thành viên, giữa hợp tác xã với hợp tác xã gắn với phát triển sản phẩm chủ lực địa phương…
Thời gian tới Tuyên Quang cũng khuyến khích tổ chức sáp nhập các hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ tổng hợp quy mô nhỏ và doanh thu thấp, kém hiệu quả thành các hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp quy mô lớn nhằm nâng cao tiềm lực, hiệu quả hoạt động cho các hợp tác xã; khuyến khích hợp tác xã nông nghiệp tập trung đất đai, cơ sở hạ tầng, xây dựng, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn; hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao đất, cho thuê đất, tập trung đất đai, tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ; tạo điều kiện vốn vay để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác và các thành viên để phát triển sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế để các hợp tác xã có đủ năng lực, điều kiện được tham gia thực hiện một số nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đầu tư công; nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã tham gia dịch vụ môi trường, xây dựng và duy trì cảnh quan, môi trường nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững./.