Sơn Dương gắn sản xuất nông nghiệp bền vững với xây dựng huyện nông thôn mới

Huyện Sơn Dương luôn xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương là phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị cao, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay toàn huyện có 8 làng nghề sản xuất chè và 7 sản phẩm chè đã được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Một trong những làng nghề nổi bật nhất là mô hình trồng và sản xuất chè sạch an toàn của nông dân tại thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành. Nhận được sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh và Học viện Nông nghiệp Việt Nam về kỹ thuật chăm sóc, thâm canh nên giờ đây, toàn bộ diện tích hơn 10ha chè luôn phát triển tốt, năng suất chất lượng sản phẩm được nâng lên đáng kể. Những hộ trồng chè ở trong thôn đã liên kết lại với nhau để sản xuất, chế biến chè chất lượng cao và đã thành lập được làng nghề chè và sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.


Mô hình sản xuất, chế biến chè hữu cơ tại thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành.

Tại xã Trường Sinh, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng mô hình chăn nuôi thỏ Newzealand theo hướng hàng hóa do công ty TNHH một thành viên nông lâm nghiệp Đại Nam, xã Trường Sinh thực hiện từ năm 2022 với quy mô 1.400 con. Đến nay mô hình đã đạt được những yêu cầu cả về kinh tế, kỹ thuật. Thỏ sinh sản tốt, có tỷ lệ nuôi sống cao, đơn vị đang phối hợp để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, tuyên truyền nhân rộng mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, phù hợp với chăn nuôi trang trại, gia trại.

Năm 2022, huyện Sơn Dương hình thành một số mô hình liên kết trong sản xuất, giống mới và chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với một số loại cây trồng như cây gai xanh 17,7ha; ngô sinh khối 7,7ha; dưa chuột 90ha/3 vụ và một số cây dược liệu như cà gai leo, tinh dầu xả… chăn nuôi trên địa bàn dần chuyển dịch theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VIETGAP. Trong năm toàn huyện có 22 sản phẩm được xếp hạng OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 54 sản phẩm đã được xây dựng nhãn hiệu, bao bì sản phẩm.


Mô hình trồng cây thanh long tại xã Sơn Nam.

Năm 2023, huyện Sơn Dương tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa và nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi hữu cơ theo các đề án được duyệt; tiếp tục thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các Hợp tác xã nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Phát triển, mở rộng diện tích chè sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ, an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn và thực hiện thâm canh, bón phân hữu cơ... để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè. Đồng thời thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của Trung ương, của tỉnh, các đề án của huyện về phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh giai đoạn 2021-2025, đề án phát triển chăn nuôi trâu hàng hoá liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2020-2025... Từ những kết quả đã đạt được sẽ là động lực, tạo đà để lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Bài, ảnh: PV/sonduong.tuyenquang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục