Tuyên Quang đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với xây dựng nông thôn mới

Ngày 01/02/2023 UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Cơ quan chức năng, cùng các huyện, thành phố đang và sẽ vào cuộc đồng bộ, đưa ra giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng lao động, gắn kết công tác đào tạo nghề với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động và giải quyết việc làm; phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Tuyên Quang đạt 67,5%.

Hội nghị định hướng nghề nghiệp tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang

Trên tinh thần đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiến hành tuyển sinh, đào tạo nghề trình độ cao đẳng cho ít nhất 8.000 người: trình độ Cao đẳng 250 người; trình độ Trung cấp cho 900 người; trình độ Sơ cấp và đào tạo các chương trình khác cho 6.850 người. Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến cuối năm nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Tuyên Quang đạt 67,5%, trong đó tỷ lệ có bằng, chứng chỉ đạt 26%.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Tuyên Quang đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng là: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng dạy nghề, tập trung mọi nguồn lực và lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hiện hành của nhà nước và địa phương để ưu tiên tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động tại các xã xây dựng nông thôn mới, lao động di dân tái định cư, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động là người tàn tật, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm, người chấp hành xong án phạt tù; chú trọng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, giải quyết việc làm. Ngoài ra, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cần được triển khai linh hoạt, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc thù của từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, mở ra cơ hội việc làm bền vững cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.

Chú trọng gắn kết với doanh nghiệp

Gian hàng việc làm của doanh nghiệp tuyển dụng

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, công tác đào tạo nghề được gắn kết với doanh nghiệp, giải quyết việc làm. Từ đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hình thức đào tạo. Sở Lao động - TB và XH cũng chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành và triển khai công tác đào tạo nghề và chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Tuyên Quang đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Năm 2022, Tuyên Quang đã tuyển sinh, đào tạo cho 8.500 người người, đạt 106,25 kế hoạch, góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động của tỉnh. Tỷ lệ học sinh, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt gần 70%. Nhiều ngành nghề khi ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%. 

Điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn

Công tác đào tạo nghề của Tuyên Quang những năm qua được triển khai cùng với các Chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và được điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn. Đối tượng được ưu tiên đào tạo là thành viên gia đình người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất… Hoàn thành các khóa đào tạo, hơn 80% lao động nông thôn đã có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Trên cơ sở 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 01/02/2023, ngành Lao động sẽ phối hợp với các trường nghề, đơn vị chức năng xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức đào tạo nghề trong giai đoạn mới, theo hướng phù hợp với nhu cầu của người học và gắn kết chặt chẽ với thị trường việc làm.

Tổ chức nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp

Giới trẻ ngày nay đã thực tế hơn trong lựa chọn các cơ hội học tập, định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Trong khi sinh viên đại học đứng trước nguy cơ “khủng hoảng thừa”, cạnh tranh khốc liệt để tìm kiếm cơ hội việc làm thì các cơ sở sản xuất lại thiếu nhân lực được đào tạo chính quy. Thậm chí, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín, nhân lực đào tạo được săn đón, tuyển dụng ngay trước khi tốt nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng các huyện, nhà trường tổ chức nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp; cung cấp danh sách các cơ sở tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; những thông tin hướng nghiệp cần thiết cho học sinh, phụ huynh, tạo điều kiện cho lao động có thêm cơ hội lựa chọn cho mình nghề nghiệp phù hợp. Chỉ tính riêng năm 2022 đã tổ chức trên 10 hoạt động tư vấn việc làm và học nghề thu hút sự quan tâm của gần 200 lượt doanh nghiệp và gần 100 lượt cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia; Tư vấn giới thiệu việc làm cho 11.689 lượt người lao động; công tác đào tạo nghề nghiệp đã được các doanh nghiệp quan tâm phối hợp thực hiện, năm 2022 Tập đoàn Than và Khoảng sản Việt Nam đã tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm trực tiếp tại các công ty thuộc Tập đoàn cho 120 lao động; VNPT và Vietlel Tuyên Quang đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang đào tạo cho 20 kỹ thuật viên; phối hợp với Công ty Cổ phần Hồ Toản đào tạo cho 35 công nhân chăn nuôi bò sữa, phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tâm đào tạo cho 64 học viên học nghề Trồng và chăm sóc cây dưa…Các doanh nghiệp đã trực tiếp tham gia chỉnh sửa 8 bộ chương trình đào tạo đảm bảo khối lượng kiến thức, yêu cầu về năng lực đáp ứng với các điều kiện theo quy định đồng thời phù hợp với vị trí việc làm tại các doanh nghiệp.

Thay đổi nhận thức về vai trò của đào tạo nghề

Thực tế, nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, có tay nghề giỏi còn rất thiếu. Tại nhiều cơ sở sản xuất hiện nay, thợ tay nghề giỏi được trả lương cao, thậm chí cao hơn so với nhiều người có bằng đại học. Nhu cầu thị trường lớn, thu nhập tốt, đó là hai yếu tố hấp dẫn để nhiều người trẻ hiện nay phải thay đổi nhận thức về vai trò của đào tạo nghề. Nhận thức vấn đề này Sở Lao động - TB và XH tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội, người dân, lực lượng lao động… về vai trò của hướng nghiệp và đào tạo nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Để thu hút học viên, cần hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, cần phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo lại để khắc phục tình trạng thiếu lao động chất lượng, góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đổi mới tư duy, dạy nghề linh hoạt, nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, phù hợp xu hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới theo hướng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề nông nghiệp; đánh giá hiệu quả sau đào tạo gắn với việc làm và cơ cấu lao động của tỉnh; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh nếu chưa phù hợp, hiệu quả thấp; ưu tiên đào tạo nghề cho lao động tại các xã mục tiêu hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu góp phần hoàn thành sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục