Hàm Yên nâng cao giá trị nông sản qua chuỗi liên kết

- Hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Hàm Yên có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Việc liên kết giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt đối với nông dân, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền hỗ trợ các địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chuỗi nông sản. Nhờ đó, bước đầu đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hiệu quả như vịt bầu Minh Hương, chè xanh, cam sành, trâu vỗ béo…


Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa 
kiểm tra cá chiên nuôi lồng.

Nhờ sự hỗ trợ của Dự án TNSP, ông Bàn Văn Dương, Giám đốc HTX chè Tân Thái 168, xã Tân Thành được đi học kinh nghiệm làm chè ở nhiều nơi. Ông nhận thấy, một trong những vấn đề quan trọng nhất trong sản xuất, tiêu thụ chè là sản xuất chè sạch và truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, năm 2013 ông đã ký hợp đồng với người trồng chè tại thôn 3 và thôn 5 Làng Bát để sản xuất chè VietGAP với diện tích cam kết bao tiêu là 5 ha. Để có được nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng, ông cung ứng các loại phân bón, chế phẩm sinh học cho các hộ trồng chè địa phương theo hình thức “trả chậm bằng sản phẩm” mà không lấy lãi. 

Để tăng sản lượng chè cung ứng cho HTX, ông Dương vận động 55 hộ cùng tham gia vào sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP có tổng diện tích hơn 30 ha. Đồng thời, tăng cường tìm đầu ra cho sản phẩm, ông Dương và Ban Giám đốc HTX đã đi khảo sát thị trường ở miền Trung, miền Nam và đặt văn phòng đại diện tại thị trấn Ba Đồn, tỉnh Quảng Trị. Tại đó, HTX đã kết nối được với nhiều doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ sản phẩm. Điển hình là Công ty TNHH Hùng Hồng, Siêu thị Viễn Hồng, Siêu thị Thái Hậu (Quảng Trị) và nhiều đơn vị các tỉnh lân cận… Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ hằng năm đạt 35 - 40 tấn chè khô, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng.

Tại mảnh đất trù phú xã Đức Ninh (Hàm Yên) từ lâu đã gắn bó với cây bưởi, cho giá trị kinh tế hơn so với những cây trồng khác. Tháng 5-2019, UBND huyện phê duyệt dự toán kinh phí là gần 3 tỷ đồng thực hiện dự án phát triển sản xuất sản phẩm bưởi liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Đức Ninh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dự án được UBND huyện giao cho HTX rau quả an toàn Đức Ninh chủ trì, từng bước phát triển và xây dựng thương hiệu “Bưởi Đức Ninh”. Dự án có vốn ngân sách Nhà nước là hơn 1,2 tỷ đồng, vốn đối ứng của Hợp tác xã rau quả an toàn Đức Ninh là 0,35 tỷ đồng, vốn của 25 thành viên trong hợp tác xã tham gia dự án là gần 1,4 tỷ đồng.

Hiện nay, UBND xã Đức Ninh và HTX rau quả an toàn Đức Ninh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi theo hướng VietGAP cho các hộ trong xã nhằm canh tác bền vững, cho chất lượng sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Doanh thu từ bưởi năm 2019 của HTX đạt hơn 4 tỷ đồng. Tăng so với các năm trước gần 1 tỷ đồng.

Để nâng cao giá trị nông sản qua liên kết chuỗi, huyện Hàm Yên đã có nhiều cơ chế khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp. Ngoài dự án liên kết theo chuỗi của các HTX sản xuất chè, đến nay huyện có 5 dự án liên kết chuỗi đã phát huy được hiệu quả. Trong đó, có 2 dự án quy mô liên xã là hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cam VietGAP; chăn nuôi trâu, bò liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; 3 dự án quy mô 1 xã, gồm hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm vịt bầu Minh Hương, cá đặc sản Thái Hòa, bưởi Đức Ninh liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ. Năm 2020, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, huyện Hàm Yên phân bổ gần 1,5 tỷ đồng hỗ trợ các chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Hải Hương/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục