Những con đường hạnh phúc

- Trên con đường bê tông rộng rãi, phẳng lỳ chẳng mấy chốc tôi đã tới những khu vườn xanh mướt ở xã Thái Bình (Yên Sơn). Hỏi ra mới biết, để quyết tâm cán đích nông thôn mới xã đã có cách làm hay, nhất là việc huy động người dân hiến đất làm đường. Nhờ sự đồng thuận cao, những con đường bê tông to đẹp liên tiếp hoàn thành khiến “bộ mặt” của xã như “thay da đổi thịt”, khang trang hơn. Đó cũng chính là những “con đường hạnh phúc” thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới tuyên truyền, vận động

Khi xây dựng nông thôn mới, xã Thái Bình xác định việc đầu tư nâng cấp các công trình công cộng, đặc biệt là phát triển đường giao thông nông thôn đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao giá trị nông sản, hàng hóa của bà con nhân dân, giúp người dân tăng thu nhập. Bao lâu nay, tuyến đường liên xã nối Thái Bình với Công Đa hay tuyến đường liên thôn 3, 4 như “rào cản” trong sự phát triển kinh tế của bà con. Bởi đường cũ khi trời nắng thì bụi mù, mưa thì như ruộng cày, có những chỗ “ổ trâu”, “ổ voi” không ít người đi lại ngã dúi dụi. “Đã nhiều lần chính quyền cùng bà con chung tay vá víu những đoạn đường xấu nhưng cứ mưa lớn là bao công sức lại bỏ đi theo dòng nước” - Ông Trần Xuân Huy, Trưởng thôn 9 nhớ lại.  

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã đã nhận được sự quan tâm đầu tư từ tỉnh, huyện và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về mọi mặt, trong đó có chủ trương, nguồn lực xây dựng đường bê tông nông thôn. Song nguồn vốn của Nhà nước có hạn, việc huy động sức dân là cần thiết để san sẻ gánh nặng ngân sách trong công tác giải phóng mặt bằng. Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết, để mở rộng các tuyến đường thì diện tích đất huy động người dân hiến khá lớn, lên tới hàng nghìn m2.

Đường liên xã được bê tông hóa giúp việc đi lại của học sinh, giáo viên trường Tiểu học Thái Bình thuận lợi.­

Chuyện vận động người dân hiến đất là việc khó, không ít nơi không thể triển khai vì chưa tìm được “tiếng nói chung” giữa chính quyền và nhân dân. Do đó, để khơi thông tư tưởng nhân dân, những cán bộ xã, thôn là những người không chỉ gần gũi, mà còn phải vận dụng linh hoạt các giải pháp tuyên truyền, vận động. Anh Nguyễn Tiến Quyền, công chức Văn phòng - Thống kê xã là người mà bà con các thôn hầu như đã quen mặt. Anh Quyền bảo, anh là người lớn lên ở xã nên bà con quê mình như nào anh đều hiểu, việc gì không đúng bà con sẽ phản đối ngay, nhưng việc có lợi bà con sẵn sàng ủng hộ hết mình. Khi tuyên truyền mình nói gì phải nắm rõ kế hoạch, chủ trương để triển khai, có dẫn chứng cụ thể, lần đầu chưa được thì lần sau nói lại, “mưa dầm thấm lâu”.

Lan tỏa phong trào hiến đất

Để làm 2 tuyến đường liên xã nối xã Thái Bình và xã Công Đa đi qua thôn 9 và đường mẫu liên thôn 3,4 đã có gần 90 hộ dân ở các thôn 3, 4, 9 và Bình Ca hiến hơn 3.000 m2. Nhà ông Hoàng Quốc Việt ở thôn 9 nằm ở đỉnh dốc cao nhất của tuyến đường liên xã, không ít lần ông chứng kiến cảnh người dân, học sinh ngã nháo nhào khi leo dốc. Vậy nên, khi cán bộ xã xuống vận động hiến đất mở rộng đường và hạ độ dốc, ông Việt đồng ý ngay không chút băn khoăn.

Khác với nhà ông Việt, gia đình ông Nguyễn Tiến Hưng ở thôn 4 lại nằm ở ngay đầu tuyến đường liên thôn. Việc ông Hưng đồng ý hiến đất đã góp phần “gỡ nút thắt” giao thông và “gỡ” luôn cả những e ngại ban đầu của một số hộ dân, tạo nên phong trào hiến đất trong cả xóm. Tính ra, số đất vườn bám theo tuyến đường mà ông Hưng ủng hộ làm đường lên đến gần 200 m2, từng ấy đất tính theo giá thị trường là số tiền không nhỏ, nhưng với ông vì việc chung và lợi ích lâu dài thì không có gì phải tiếc nuối. Ông Hưng chia sẻ, mình bị thiệt ban đầu nhưng về lâu về dài lại có lợi bởi hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp mình làm ra buôn bán đều thuận lợi. Có đường đẹp, thương lái tìm đến tận nơi thu mua hoa quả, gà, lợn, giá trị kinh tế tăng nhiều lần ai chẳng thích. Chính vì thế có chủ trương làm đường bê tông ông đồng ý ngay và còn tích cực tham gia vận động các hộ khác trong thôn cùng hiến đất mở rộng đường.

Từ những cá nhân điển hình, việc hiến đất làm đường đã lan tỏa trở thành một phong trào nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân các thôn với số hộ tự nguyện hiến đất vườn, đất ruộng ngày càng tăng. Nhờ đó, giúp các tuyến đường được thi công theo đúng tiến độ, kế hoạch. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Du ở thôn 4 hiến gần 500 m2 đất vườn và ruộng, gia đình ông Nguyễn Tiến Hưng ở thôn 4 hiến gần 200 m2, gia đình bà Phạm Thị Miên ở thôn 4 hiến 150 m2, gia đình ông Hoàng Quốc Việt ở thôn 9 hiến trên 90 m2… Thậm chí có cả những hộ cận nghèo, hộ còn khó khăn cũng tham gia hiến đất làm đường. 

Động lực xây dựng nông thôn mới

Xã Thái Bình vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo của UBND xã, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã đã xây dựng các mô hình vườn mẫu trong phát triển kinh tế tạo địa chỉ để bà con tham quan, học hỏi. Cùng với đó, xã cũng hoàn thành xây dựng các tuyến đường mẫu với chiều rộng đảm bảo việc đi lại, giao thương buôn bán của người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến nay, 100% đường trục xã, hơn 80% đường trục thôn và hơn 75% đường nội đồng đã được bê tông hóa... Những tuyến đường bê tông nông thôn như những mạch máu trong cơ thể tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại, đẩy mạnh phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Việc đầu tư xây dựng đường bê tông nông thôn đã giúp việc đi lại của người dân, học sinh trên địa bàn xã an toàn, không lo nơm nớp mỗi khi mưa lũ. Thầy giáo Lê Tuấn Linh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thái Bình bày tỏ, trước đây mỗi khi vào mùa lũ nước suối dâng cao học sinh không thể đến trường. Nay có đường mới, cầu mới sỹ số học sinh được duy trì, chất lượng dạy và học của nhà trường vì thế cũng được nâng lên.

Nhờ đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, đường giao thông nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo đòn bẩy để người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Toàn xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,4 triệu đồng/người/năm (năm 2011), lên 39,6 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Những kết quả đáng mừng nêu trên là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực của chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Nhắc đến Thái Bình hôm nay là nhắc đến một tập thể xã đoàn kết, nơi mà người dân tin tưởng vào các chủ trương, chính sách được triển khai hiệu quả.

Bài, ảnh: Huy Hoàng/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục