Với mục tiêu đến hết năm 2025, sẽ có trên 40% số hộ nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn huyện tham gia thành viên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; toàn huyện sẽ có 64 HTX nông nghiệp trong đó có trên 40 HTX hoạt động đạt loại tốt, khá; 01 HTX điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia, doanh thu bình quân đạt từ 5,0 tỷ đồng/năm trở lên; 30% HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trên 60 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; 30% cán bộ quản lý HTX nông nghiệp được đào tạo nghề Giám đốc HTX. Huyện đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng để triển khai thực hiện trong đó tập trung nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và vai trò của HTX nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý và điều hành HTX; tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật HTX và các chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp hiện hành; nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và quản trị HTX đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX nông nghiệp.
Thu hoạch chè tại vùng nguyên liệu của HTX chè Tân Thái 168, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên (Ảnh: nguồn Internet)
Đến hết năm 2023, huyện Hàm Yên có 72 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong năm huyện đã thành lập mới thêm 07 HTX; tuy nhiên, tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả còn tương đối thấp (18 HTX, đạt 25%), doanh thu, lợi nhuận của các HTX chưa cao. Là một trong các thành phần và lực lượng cốt lõi để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững; song song với phát triển mới, việc củng cố, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp góp phần quan trọng giúp các xã hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Nhận thức được vấn đề đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn mà huyện Hàm Yên đã đề ra đến hết năm 2025 là cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ để các HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào nhóm chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn./.