Anh Nông Quốc Doanh (người đứng giữa) ở thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) đã tiên phong và thành công từ chuyển đổi vườn cam già cỗi sang trồng cây mít Thái.
Ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp về xã Thành Long (Hàm Yên) được vui cùng niềm vui của nông dân trồng dưa chuột nơi đây. Tuy trước Tết thời tiết rét đậm, rét hại khiến năng suất dưa có giảm chút so với vụ trước, nhưng dưa bán được giá, dao động từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Dưa thu hái đến đâu được bao tiêu hết đến đó. Niềm vui “thắng” vụ dưa chuột hiện rõ trên nét mặt, nụ cười của những người nông dân.
Đang cùng người dân trong thôn chia sẻ kinh nghiệm trồng dưa, anh Trần Văn Tràng, Trưởng thôn Đoàn Kết 2, xã Thành Long vui mừng cho biết, gia đình anh chuyển đổi 2 sào ruộng khó canh tác sang trồng dưa chuột liên kết với hợp tác xã. Sau khi trừ chi phí, anh có lãi hơn 30 triệu đồng. Đến nay, cả thôn đã chuyển đổi hơn 2 ha ruộng lúa sang trồng dưa chuột. Chỉ tính vụ dưa này (kéo dài khoảng 3 tháng), người dân cũng thu về gần tỷ đồng. Từ thành công của việc liên kết sản xuất hàng hóa, gần chục hộ cũng mới chuyển đổi thêm 1 mẫu ruộng lúa khó canh tác sang liên kết trồng ớt xuất khẩu cũng đầy tiềm năng.
Đồng chí Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch UBND xã cho biết, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng kỹ thuật thâm canh tăng vụ. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi diện tích ruộng cấy lúa kém hiệu quả, đất soi bãi sang liên kết trồng dưa chuột. Từ năm 2020 đến nay, xã duy trì hiệu quả mô hình trồng cây dưa leo theo hướng liên kết tiêu thụ với hơn 10 ha ở các thôn Loa, Hưng Long, Đoàn Kết 1, Đoàn Kết 2...
Theo đó, nông dân cam kết sản xuất đúng quy trình tạo sản phẩm sạch, an toàn; còn hợp tác xã sẽ cung ứng vật tư, giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra ổn định. Trung bình, năng suất dưa đạt hơn 39 tấn/ha/vụ (1 năm trồng 3 vụ), với giá dưa bình quân ở mức 5 nghìn đồng/kg mỗi vụ nông dân ở xã có tổng nguồn thu khoảng 6 tỷ đồng. Từ hướng chuyển đổi đã giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Cuộc sống nhân dân ngày càng khấm khá nên việc huy động nguồn đóng góp của bà con chung sức xây dựng nông thôn mới thuận lợi hơn.
Khắp triền đồi, soi bãi, cánh đồng ở tổ dân phố Yên Thịnh, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) được phủ màu xanh của cây trái. Ông La Văn Tâm, Tổ trưởng dân phố cho biết, tổ dân phố có 144 hộ, đa số đều làm nông nghiệp. Những năm qua, người dân đã tích cực cải tạo vườn tạp, đưa cây ăn quả chủ yếu là cam, chanh tứ thì xuống trồng ở ruộng kém hiệu quả, ở chân đồi và bãi soi. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của tổ dân phố đã tăng lên hơn 70 ha. Trồng cây ăn quả giúp các hộ có thu nhập cao hơn so với cây lúa, trồng các cây rau màu khác.
Vài năm trở lại đây, nhiều vườn cam trên địa bàn huyện Hàm Yên bị nhiễm vi khuẩn Greening, các loại nấm gây ra bệnh vàng lá thối rễ khiến diện tích cam giảm. Các cơ quan chuyên môn của huyện đã khuyến cáo Nhân dân cần chặt bỏ những vườn cam đã chết hoặc nhiễm bệnh trên 70% để xử lý đất, nấm bệnh, có thể tái canh sau vài ba năm. Những diện tích cam chết do già cỗi có thể chuyển sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp để tăng thu nhập.
Anh Nông Quốc Doanh, ở thôn Mường là người đầu tiên ở xã Phù Lưu (Hàm Yên) chuyển đổi vườn cam già cỗi sang trồng cây mít Thái. Anh Doanh chia sẻ, nhận thấy tiềm năng của cây mít Thái nên năm 2019, gia đình anh đã quyết định phá bỏ 12 ha cam sành già cỗi sang trồng mít Thái. Qua gần 4 năm trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật cây mít sinh trưởng, phát triển tốt có thể cho năng suất 70 kg quả/cây/năm. Năm 2023, gia đình anh thu về hơn 80 tấn mít quả, sau trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng. Dự kiến năm 2024, gia đình anh sẽ thu hơn 150 tấn mít quả, thu lãi trên 300 triệu đồng.
Theo báo cáo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên, toàn huyện có diện tích cam 5.100 ha, cây chè 2.178 ha, cây chanh 1.054 ha, cây bưởi 360 ha, cây thanh long 103 ha... Để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Hàm Yên đang tiếp tục rà soát, đánh giá những diện tích đất đai thích hợp trồng các cây trồng chủ lực (cam, chè, gỗ nguyên liệu) và cây tiềm năng (bưởi, chanh, mía, thanh long, dưa chuột...). Trên cơ sở đó, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích nông dân lựa chọn trồng các cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, theo nhu cầu của thị trường để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả và bền vững.