Tuyên Quang: Làn gió mới trên rẻo cao

Nhìn lại chặng đường trên 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Tuyên Quang đã tạo được những dấu ấn đặc biệt. Trong khi nhiều địa phương còn đang lúng túng trong cách thức triển khai thì Tuyên Quang đã mạnh dạn thực hiện các giải pháp hỗ trợ để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, tạo nền tảng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Sự linh hoạt này đã giúp tỉnh lan tỏa Chương trình NTM tới cả những bản, làng khó khăn.

Phụ nữ thôn Khau Tràng (xã Hồng Thái, huyện Na Hang, Tuyên Quang) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển kinh tế.

Niềm vui trên vùng đất khó

Ngay từ những ngày đầu triển khai, Tuyên Quang đã thành lập Ban Chỉ đạo các cấp về xây dựng NTM; phê duyệt Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030 cũng như ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất hàng hóa, môi trường, giáo dục theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”…

Bằng quyết tâm và sự đồng thuận của nhân dân cùng với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” tại nhiều địa bàn các xã vùng cao đã từng bước vượt khó, tiến chắc từng tiêu chí để bắt kịp các xã vùng thấp.

Thôn Pắc Củng, xã Thượng Nông (huyện Na Hang) từ những năm 80 của thế kỷ trước, chỉ có hơn chục nóc nhà, điều kiện kinh tế gặp muôn vàn khó khăn. Thế rồi cùng với các nguồn vốn Chương trình 135, xây dựng NTM, giảm nghèo của Chính phủ, đã tạo cơ hội để Pắc Củng vươn lên.

Pắc Củng được đánh giá là điển hình trong phong trào xây dựng NTM của xã Thượng Nông. Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để mua đất xây trường mầm non, san gạt nền đường giao thông, kênh mương… Đa số các hộ trong thôn đều có công trình vệ sinh đủ tiêu chuẩn, làm chuồng trại gia súc xa nhà, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ. Năm 2019, thôn có 40/45 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Theo ông Nguyễn Văn Màu, Chủ tịch UBND xã Thượng Nông cho biết, ở đây để hoàn thành một công trình xây dựng thì chi phí thường cao gấp 1,5 đến 2 lần so với những địa phương vùng thấp. Chỉ tính riêng việc vận chuyển vật liệu xây dựng lên đến chân công trình đã tốn rất nhiều công sức, tiền của của bà con. Bởi thế, muốn xây dựng hạ tầng nông thôn bà con phải có sự quyết tâm rất lớn mới có thể làm được. Đến nay, toàn thôn đã hoàn thành được gần 1km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn. Thôn đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong thôn. Hiện toàn xã có 6/9 thôn đã có nhà văn hóa, dự kiến năm 2021 xã sẽ hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.

Cũng từng gặp khó khăn, với điểm xuất phát thấp, xã Khuôn Hà (huyện Lâm Bình) khi mới triển khai chỉ có 2/19 tiêu chí đạt chuẩn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 56%, thu nhập bình quân đầu người đạt 6,1 triệu đồng/người/năm. Để hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng như xây dựng sân thể thao, nhà văn hóa, đường bê tông nội đồng… tại Khuôn Hà, nhiều hộ dân đã hiến đất để hoàn thành các công trình với diện tích trên 30.000m2. Hiện, xã Khuôn Hà đã hoàn thành 6,1km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, bê tông hóa hơn 3,5km đường nội đồng; 12/12 thôn đã xây dựng được nhà văn hóa; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30 triệu đồng/năm… Năm 2018, xã Khuôn Hà đã về đích xây dựng NTM đánh dấu một kỳ tích ở xã vùng cao đầy khó khăn này.

Xưởng chế biến gỗ của ông Nguyễn Văn Thành (thôn An Phú, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thay da đổi thịt từ những mô hình sản xuất

Không chỉ nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, Tuyên Quang cũng tập trung chỉ đạo các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường. Bởi vậy, tại những vùng khó khăn đã hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế đã đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Đây chính là đích đến bền vững của Tuyên Quang trong hành trình xây dựng NTM.

Đến thôn An Lịch, xã Đông Lợi (huyện Sơn Dương), nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi sự thay da đổi thịt của miền quê này. Theo ông Đặng Ngọc Giang, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn An Lịch chia sẻ, chỉ cách đây vài năm, con đường vào thôn là đường mòn, nhỏ hẹp, mỗi đợt mưa xe đạp, xe máy qua thôn đều phải dắt bộ, đi từ trung tâm xã vào thôn mất hơn tiếng đồng hồ. Thu nhập của người dân chủ yếu là cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng hiện nay, An Lịch thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra các sản phẩm hàng hoá chủ lực có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình kinh tế đã xuất hiện, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Không dấu được niềm vui, chị Lương Thị Sản phấn khởi kể: Năm 2013, do nguồn vốn còn hạn hẹp, chị chỉ nuôi 10 con dê. Sau mỗi lứa dê đẻ chị Sản giữ lại gây đàn. Đến nay, gia đình chị duy trì hơn 40 con dê, mỗi năm thu lãi hơn 35 triệu đồng. Năm 2019, sau khi đã có nguồn vốn từ nuôi dê, chị Sản tận dụng 0,6ha ao nuôi cá trắm, trôi, chép. Tháng 6.2020, chị Sản được lãi hơn 40 triệu đồng. Cuối năm gia đình sẽ thu số cá còn lại, ước lãi 50 triệu đồng.

Cũng rất thành công trong phát triển kinh tế, ông Nguyễn Văn Cường cho biết: Năm 2017, gia đình ông trồng 4,3ha bưởi, chanh. Cuối năm 2019, ông Cường thu hoạch hơn 10 tấn chanh, với giá bán 15.000 đồng/kg. Từ nguồn thu nhập từ bán chanh ông tiếp tục đầu tư chăm sóc cây bưởi. Gia đình ông còn đầu tư nuôi lợn. Đến năm 2019, mở rộng quy mô nuôi hơn 80 con lợn thương phẩm và 17 con lợn nái. Từ chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả, gia đình ông thu lãi hơn 350 triệu đồng/năm.

Còn tại Xã Tân An (huyện Chiêm Hóa) lại tạo bước đột phá từ kinh tế rừng. Với lợi thế có 4.490ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng tự nhiên sản xuất trên 1.300ha, đất có rừng trồng sản xuất hơn 1.400ha, đất trồng rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa là hơn 1.380ha. Trong 5 năm qua, xã Tân An trồng mới trên 380ha rừng, đạt 109% kế hoạch, nâng độ che phủ rừng đạt 60%; khai thác gỗ rừng trồng được trên 306ha, sản lượng đạt trên 25.590m3 gỗ các loại, làm nguyên liệu giấy 1.370 tấn. Trên địa bàn xã đã có 5 xưởng chế biến gỗ rừng trồng tiêu thụ hơn 100m3 gỗ mỗi ngày cho người dân trong xã và các xã lân cận.

Ông Ma Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững từ việc liên doanh, liên kết, áp dụng thâm canh nâng cao giá trị rừng trồng kết hợp chế biến lâm sản tại chỗ tạo việc làm cho lao động địa phương là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền xã thực hiện trong thời gian qua. Nhiều thôn trong xã đã có diện mạo mới nhờ phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp là hướng đi đúng và trở thành “bệ đỡ” giúp xã Tân An thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã từ hơn 11,5% năm 2019, đến tháng 9.2020 giảm còn 8,6%. Kinh tế lâm nghiệp chiếm 40% thu nhập toàn xã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã đến nay lên 33 triệu đồng/người/năm. Đây là cơ sở để xã hoàn thành các tiêu chí NTM vào năm 2021.

Xác định xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hàng hoá, Tuyên Quang đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp. Nhờ đó, tư duy sản xuất của người dân vùng nông thôn đã thay đổi sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá, có giá trị kinh tế cao. Đời sống người dân và diện mạo nhiều thôn bản khởi sắc, tạo động lực cho người dân tiếp tục cố gắng vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương của mình.

Giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Tuyên Quang giảm từ 27,8% đầu năm 2016 xuống còn 9,03% cuối năm 2020; thu nhập bình quân đầu người nông thôn (theo giá hiện hành) đạt 2,67 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,55 lần so với năm 2015).

Bài, ảnh: Thu Hương/langmoi.vn

Tin cùng chuyên mục