Động lực phát triển kinh tế - xã hội

- Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xây dựng một số đề án, chương trình quan trọng tập trung vào các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội đã đề ra. Trong đó, Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin là một trong những đề án quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, HĐND tỉnh đã tổ chức kỳ họp chuyên đề thông qua nhiều đề án quan trọng, trong đó có Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn. Đồng chí Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải nhấn mạnh, đây là một trong những đề án được ban hành và thông qua nhanh nhất để cụ thể hóa Nghị quyết, trọng tâm vào các khâu đột phá đã được Nghị quyết Đại hội đề ra.

Đề án được xây dựng trên cơ sở đã được đánh giá và bám sát nhu cầu từ thực tiễn, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu lộ trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Sở đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn, các cầu trên đường ở các địa phương để xác định mục tiêu cũng như các yếu tố kỹ thuật, bảo đảm tổ chức hiệu quả hơn. Đề án mới được thông qua nhưng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Đề án sẽ tạo cú huých mới cho kinh tế nông thôn Tuyên Quang trong những năm tới.

Đường giao thông thôn Làng Sinh, xã Thiện Kế (Sơn Dương).   ảnh: Cao Huy

Mục tiêu của đề án trong giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu thực hiện bê tông hóa ít nhất 1.080 km đường thôn và đường nội đồng. Trong đó đường thôn 620 km, nâng tỷ lệ bê tông hóa đường thôn trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 80%; đường nội đồng 460 km, nâng tỷ lệ bê tông hóa đường nội đồng đạt trên 60%. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh xây dựng ít nhất 200 cầu trên đường giao thông nông thôn. Trong giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục đầu tư xây dựng các cầu còn lại trên đường giao thông nông thôn theo đề án phê duyệt. 

Để tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện, mới đây, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Sở Giao thông - Vận tải tổ chức ký kết phối hợp xây dựng đường bê tông, cầu trên đường giao thông nông thôn. Nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khơi dậy sức dân, thực hiện tốt phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống và chi phí vận chuyển, bốc xếp đến địa điểm thi công gần nhất ô tô có thể đi được; kinh phí thuê máy trộn bê tông 20 triệu đồng/km đối với đường thôn; 15 triệu đồng/km đối với đường nội đồng và kinh phí cho công tác quản lý 2 triệu đồng/km. Nhân dân tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng; đóng góp ngày công lao động, máy, thiết bị phục vụ thi công, vật tư, vật liệu và tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng. Đối với cầu trên đường giao thông nông thôn Nhà nước: đầu tư 100% kinh phí đầu tư xây dựng, nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng phạm vi xây dựng cầu và đường dẫn và đường kết nối.

Có thể nói, triển khai Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn có sự kế thừa những kinh nghiệm, bài học từ các chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn giai đoạn trước, bổ sung những điểm mới về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như cách thức tổ chức thực hiện sẽ tạo điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.  

Bài, ảnh: Thùy Linh/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục