Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới

Trong thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã và đang đóng góp tích cực, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và chương trình xây dựng nông thôn mới nói riêng. Thực hiện Quyết định 923/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 31/12/2022 nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các hội nghị về đổi mới, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, hoạt động sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và hội nghị tập huấn kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hoá, cấp, đăng ký mã số, mã vạch cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm OCOP, phát triển các chỉ dẫn địa lý, thương hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ. Các Sở: Nông nghiệp, Khoa học và Công nghệ, Công Thương đã cùng với các huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, đặc sản của tỉnh; tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 307 sản phẩm/dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có trên 70 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; 04 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý: Cam sành Hàm Yên, Chè Shan tuyết Na Hang, Rượu ngô men lá Na Hang và Bưởi Soi Hà Yên Sơn, hiện nay đang xây dựng chỉ dẫn địa lý “Thịt trâu Chiêm Hoá”; 04 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận: Rượu ngô Na Hang, rượu thóc Lâm Bình, nước khoáng Mỹ Lâm, rượu ngô men lá Lâm Bình.

Thời gian qua, các địa phương trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới đã lồng ghép với nhiều dự án, đề tài về chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm góp phần thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, từng bước khẳng định vị thế của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên thị trường, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, như: Đề tài “Xây dựng và phát triển thương hiệu "Mật ong Sơn Phú”; Đề tài nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm Na dai, tạo sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Lực Hành, huyện Yên Sơn”; Đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất Hồng ngâm Xuân Vân hiệu quả và bền vững, tạo sản phẩm OCOP cho huyện Yên Sơn"; Đề tài nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng, chế biến măng tre trinh hướng tới tạo sản phẩm OCOP tại huyện Na Hang; Dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi hàng hóa giống gà đen của người dân tộc Mông (nuôi sinh sản và thương phẩm) gắn với chế biến phát triển thành sản phẩm OCOP tại huyện Na Hang;...

Các ngành, các cấp đã tập trung hỗ trợ các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm; triển khai các hoạt động về sở hữu trí tuệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; hướng dẫn, quản lý, hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm. Đến nay, đã có 104 sản phẩm OCOP chủ thể đã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu gửi Cục Sở hữu trí tuệ, trong đó 87 sản phẩm OCOP đã có nhãn hiệu.

Thực hiện chuyên đề Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang có 02 đề tài được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt triển khai thực hiện, gồm: Đề tài nghiên cứu giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, áp dụng thử nghiệm cho dân tộc Pà Thẻn tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang và Đề tài nghiên cứu giải pháp phát triển sản xuất, chế biến cây ăn quả ôn đới theo hướng nông nghiệp sinh thái phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp. Hiện nay, các chủ nhiệm đề tài đang triển khai thực hiện.

Với chủ trương quan tâm đầu tư phát triển du lịch trong đó khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại các vùng nông thôn. Thời gian qua đã có nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ phục vụ phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện, như: Đề tài Nghiên cứu giá trị dinh dưỡng, công thức phối trộn, chế biến sản phẩm bột rắc cơm từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo sinh kế cho người dân, phục vụ phát triển du lịch; Đề tài Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ phát triển sản xuất giống Lê nâu bản địa; Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhân giống và trồng một số loại cây tạo cảnh quan môi trường, phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện: Lâm Bình, Na Hang và Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; Dự án Xây dựng mô hình trồng cây Tràm lá dài (Melaleuca leucadendra L) trên đất bán ngập khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang; Đề tài xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch trải nghiệm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;…

Vườn lê tại xã Hồng Thái đang được triển khai nhiều giải pháp về khoa học công nghệ để kết hợp với du lịch sinh thái

Các dự án, mô hình có ứng dụng khoa học công nghệ đã có tác động tích cực đến việc phát huy vai trò người dân, cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp hiện đại; đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp về cách tiếp cận mới trong phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Công nghệ sản xuất, chế biến nông sản còn ở mức độ trung bình, chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến sản phẩm chất lượng cao; việc ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ sản xuất để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh còn ít; một số đề tài mới dừng ở mức độ nghiên cứu, chưa được triển khai trên diện rộng; …

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả của khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cần xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ trên cơ sở bám sát thực tế, yêu cầu sản xuất của nông dân, doanh nghiệp và nhu cầu thị trường; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng các vùng nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; tổng hợp các quy trình, công nghệ đã chuyển giao là sản phẩm của các đề tài, dự án thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, để phổ biến, nhân rộng./.

La Thị Duyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục