Hợp tác xã: “Đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), hợp tác xã (HTX) có vai trò hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn...

Đến nay toàn tỉnh có 444 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã thành lập mới 28 HTX, xử lý 05 HTX hoạt động không hiệu quả. Nhận thức được tầm quan trọng của HTX trong xây dựng NTM, phát triển kinh tế, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh và Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, cũng như vai trò của HTX trong xây dựng NTM cho cán bộ, thành viên HTX và cho người dân hiểu. Đồng thời, tạo điều kiện và khuyến khích người dân tham gia vào thành lập HTX nông nghiệp, tổ hợp tác, đẩy mạnh tổ chức liên kết với các doanh nghiệp xây dựng thành chuỗi giá trị, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của người dân làm ra, góp phần nâng cao giá trị cuộc sống trong xây dựng nông thôn mới.

Trang trại chăn nuôi lợn thảo dược của HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung tại huyện Sơn Dương (Ảnh nguồn internet)

Bằng các việc làm thiết thực như phối hợp, hướng dẫn các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, qua đó gặt hái được nhiều kết quả tích cực: Hỗ trợ 08 HTX tiếp cận vay vốn tại các ngân hàng với tổng số tiền 6,58 tỷ đồng để đầu tư vào phát triển sản xuất nông sản, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay 418 triệu đồng. Lũy kế toàn tỉnh có 37 HTX được tiếp cận vay 45,27 tỷ đồng để đầu tư vào sản xuất, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay 1,934 tỷ đồng; Tổ chức 04 lớp tập huấn, bồi dưỡng hỗ trợ nâng cao năng lực đối với thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tập huấn 01 lớp tuyên truyền các quy định về hoạt động của HTX cho các HTX trên địa bàn huyện Chiêm Hóa; Tổ chức 01 lớp tập huấn thành lập mới HTX với 50 người tham gia. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 12 HTX thành lập mới mua sắm trang thiết bị văn phòng với tổng số tiền 559 triệu đồng...

Đến nay hoạt động các HTX có nhiều chuyển biến tích cực đã tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bước đầu có HTX tham gia xuất khẩu sản phẩm. Phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện nay đang có những sự chuyển biến về việc chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường. Toàn tỉnh có 104 chủ thể là HTX có sản phẩm OCOP với 147 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên (trong tổng số 191 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 77%). Toàn tỉnh có 57 HTX áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (trong đó có 45 HTX với 530,7 ha được tổ chức trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 10 HTX tổ chức chăn nuôi VietGAHP; 02 HTX tổ chức sản xuất cá VietGAP); 77 HTX có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm... Số lượng HTX tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng tăng, phát huy hiệu quả.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, sau 10 năm thực hiện theo Luật HTX 2012, đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân, tạo được sự ủng hộ cao của nhân dân và có sức lan toả toàn tỉnh; vai trò chủ thể của người nông dân được khẳng định và tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp công sức, tài sản phục vụ xây dựng nông thôn mới tại địa bàn, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Điều đáng mừng, cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động thì các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, các HTX nông nghiệp đã năng động, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo ở địa phương, giải quyết nhu cầu, lợi ích chính đáng của thành viên và người lao động. Bên cạnh đó, nhiều HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, góp phần nâng cao đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn trong xây dựng nông thôn mới...

Cũng theo Liên minh HTX tỉnh, để có được kết quả trên chính là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và các ngành chức năng đã hỗ trợ các HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ HTX nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các HTX trong tỉnh đã phát huy vai trò của kinh tế tập thể, HTX góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập bình quân đầu người, đồng thời tạo ra những thay đổi căn bản diện mạo ở khu vực nông thôn…

Các loại hình kinh tế tập thể đã chứng tỏ được vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng NTM, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, để kinh tế tập thể đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, tỉnh Tuyên Quang cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp, quyết liệt hơn nữa trong thời gian sắp tới. Trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hiện nay, vị trí và vai trò của kinh tế tập thể lại càng được đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết.

Lê Thành Trung/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục