Sự chủ động của người dân trong việc tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Phát triển kinh tế hộ gia đình hiện đang là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

 Việc phát triển kinh tế hộ gia đình đã và đang có những bước đột phá mới với những mô hình, hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương trên địa bàn tỉnh.Thông qua việc phát triển kinh tế hộ gia đình đã giải quyết vấn đề công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, đem lại lợi ích thiết thực cho các hộ gia đình, đời sống người dân được nâng lên đáng kể, gắn với đó là công tác giảm nghèo ở từng địa phương cũng được cải thiện, nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu chính đáng.

Khi đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn ở thôn Đầm Hồng 1, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa.Chúng tôi khá bất ngờ khi nghe ông bộc bạch những trăn trở, lo lắng của ngày đầu “khởi nghiệp” trên chính mảnh đất của gia đình mình. Ông Sơn chia sẻ: Bản thân ông xuất thân từ nông dân, gia đình có 3 nhân khẩu với 2 lao động chính, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào phát triển chăn nuôi và trồng cây sơn với diện tích 1,2 ha. Trước đây gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác ở xã Ngọc Hội chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, mỗi năm chỉ chông chờ vào nguồn thu nhập từ việc bán cây sơn để nuôi sống cả gia đình. Không có vốn tích lũy,phát triển chăn nuôi chưa có kinh nghiệm, ông  luôn suy nghĩ làm thế nào để cải thiện được cuộc sống gia đình, tạo được nguồn thu nhập thật ổn định.

Năm 2013, sau khi được cấp ủy chính quyền thôntuyên truyền về các chủ trương, chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất nông nghiệp, cũng như được tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất do xã, huyện tổ chức, ông Sơn có thêm động lực quyết tâm phát triển kinh tế gia đình theo quy mô trang trại. Sau đó ông đãchủ động đi học tập kinh nghiệm của một số trang trại chăn nuôi đạt hiệu quả cao của các xã lân cận. Năm 2014, được sự tạo điều kiện của cấp ủy chính quyền xã, gia đình ông được tiếp cận, vay vốn theo cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh về khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Gia đình ông đã mở rộng thêm quy mô, diện tích chuồng trại chăn nuôi với diện tích 1.120 m2, gồm 34 con lợn nái, 02 con lợn đực giống, 260 con lợn thịt. Việc đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, gia đình ông đã tạo việc làm ổn định cho 04 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng để hỗ trợ cùng với gia đình tập trung chăn nuôi đàn lợn. Đến năm 2016, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 750 triệu đồng để mua 12 con lợn nái, 02 con lợn đực giống, 250 con lợn thịt và xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Sau hơn 4 tháng, lứa lợn đầu tiên của gia đình ông đã được xuất bán trên 23 tấn thịt lợn hơi, trừ tất cả chi phí cám, giống, công tác phòng bệnh, lao động, điện nước... gia đình thu lãi được 130 triệu đồng.

Chuồng trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn

Từ những khó khăn về kinh tế và những năm đầu do thiếu kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi, đặc biệt là công tác tiêm phòng dịch, vệ sinh chuồng trại, giá cả không ổn định, quy trình kỹ thuật chưa được gia đình áp dụng... mà gia đình ông Sơn gặp phải và khắc phục vươn lên, ông Sơn đã chia sẻ kinh nghiệm đối với những hộ gia đình trong thôn trong việc phát triển kinh tế hộ. Ông luôn sẵn sàng giúp đỡ cho những lao động hiện đang làm việc trực tiếp cho ông và người dân trong xã. Với hình thức cho vay vốn, giống, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật xây dựng chuồng trại kết hợp xây dựng Bể Biogas... Mô hình phát triển chăn nuôi có hiệu quả của gia đình ông Sơn đang là một điển hình tiêu biểu, đi đầu trong việc phát triển kinh tế hộ không chỉ riêng tại thôn Đầm Hồng 1, xã Ngọc Hội mà đã lan tỏa ra các xã lân cận trên địa bàn huyện để các hộ gia đình khác đến thăm quan học tập kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi theo quy mô hàng hóa.

Là một hội viên Hội Nông dân luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Sơn luôn gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp và tham gia thực hiện các Phong trào thi đua tại địa phương, đặc biệt là Phong trào thi đua “Hội viên Hội nông dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong quá trình phát triển kinh tế hộ gia đình quy mô trang trại, gia đình ông Sơn luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ cấp ủy chính quyền thôn, xã. Đặc biệt là được hỗ trợ lãi suất vay vốn theo chính sách của tỉnh và đây cũng chính là tiền đề, là động lực và nguồn lực quan trọng giúp gia đình ông Sơn xây dựng được mô hình phát triển kinh tế như ngày nay.

Từ những kết quả, thành công từ việc phát triển chăn nuôi lợn của hộ gia đình ông Sơn đã góp phần rất lớn làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây trong việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo sức lan tỏa rộng trong toàn xã và các xã lân cận trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.Trong thời gian tới, gia đình ông Sơn tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, bên cạnh đó tận dụng diện tích 7.000 m2 ao hiện có của gia đình để đầu tư nuôi các loại cá thịt, nuôi vịt siêu trứng để cung cấp thực phẩm cho nhân dân trong và ngoài địa bàn xã.

Để công tác giảm nghèo thật sự hiệu quả và bền vững gắn với việc thực hiện tiêu chí số 10 về Thu nhập và tiêu chí số 11 về Hộ nghèo trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước hỗ trợ người dân về vốn, cây, con giống, xây dựng hầm bể Biogas đối với những hộ có quy mô chăn nuôi trang trại, cấp ủy chính quyền xã Ngọc Hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân tích cực tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, quan tâm tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản của xã. Chính điều này đã và đang giúp người dân chú trọng hơn trong công tác phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo thành mối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, qua đó tạo “nền móng” phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững ở xã Ngọc Hội nói riêng và huyện Chiêm Hóa nói chung ngày một khởi sắc./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục