Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chung sức xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTNTM), Ngành Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Tuyên Quang luôn chủ động, tích cực thực hiện các mục tiêu: Giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động trong độ tuổi có việc làm, đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình,… tạo tiền đề quan trọng để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, tăng cường và góp phần đảm bảo an ninh trật tự - ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến

Đánh giá về kết quả thực hiện CTNTM năm 2021 đối với các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách (gồm 02 tiêu chí là: Hộ nghèo; Lao động có việc làm và 02 chỉ tiêu là: Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo; Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội), Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2021 ngành đã rất cố gắng, tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện, từ công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đến phối hợp với các ngành, các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngành đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2025; ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 17/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2021; Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19/8/2021 thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021; tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tổ chức 10 lớp tập huấn về truyền thông giảm nghèo cho gần 1.000 đại biểu cấp thôn, bản, xã thuộc huyện Yên Sơn, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang; chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội kịp thời cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt với 10.641 hộ (34.052 khẩu), tổng số 510.780 kg gạo tổng kinh phí trên 7,6 tỷ đồng. Tiếp nhận phân phối trên 16.000 suất quà trị giá trên 7 tỷ đồng. Duy trì chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 24.000 đối tượng bảo trợ xã hội. Tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ sinh kế, đời sống cho người khuyết tật và trẻ mồ côi tại một số xã trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2021 có 78/122 xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí Hộ nghèo. Kết quả: năm 2021 giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,44% (từ 9,03% xuống còn 6,6%). Đến nay đã hỗ trợ 1.049 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí trên 48 tỷ đồng (nguồn kinh phí hỗ trợ từ Mặt trận Tổ quốc, nguồn tài trợ của các ngân hàng, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân).

Về tiêu chí lao động có việc làm: Ngành đã chỉ đạo và thực hiện tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nghề; tổ chức 3 Phiên giao dịch việc làm tại các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa với hơn 3.800 lượt lao động tham gia, thu hút 75 lượt doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh tham gia tuyển dụng, tuyển sinh. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Hải Dương, Phú Thọ, Điện Biên, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Cao Bằng, Thái Nguyên, bắc Ninh, Thanh Hóa… tổ chức 04 Phiên giao dịch việc làm online kết nối các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các điểm cầu cho trên 300 lao động tỉnh Tuyên Quang đang hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tư vấn về việc làm, học nghề cho trên 6.912 lượt người lao động, học sinh, sinh viên, đoàn viên, giới thiệu trên 550 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác giới thiệu việc làm cho lao động tại các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, đến 20/10/2021 toàn tỉnh tạo việc làm đối với 21.621 người, đạt 103% kế hoạch, trong đó: tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh 15.390 người; lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 5.968 người, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 263 người. Đến hết năm 2021 có 122/122 xã đạt tiêu chí Lao động có việc làm.

Tuổi trẻ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia xây dựng tuyến đường hoa xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa

Về chỉ tiêu Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo: Nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua được triển khai thực hiện hiệu quả, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, và Nghị quyết số 68/NQQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, xác định nội dung trọng tâm là: Tạo điều kiện cho lao động nông thôn được tham gia học nghề với sự hỗ trợ của Nhà nước; đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế để từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Kết quả toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo 6.704 người, đạt 83,80% kế hoạch, trong đó trình độ: Cao đẳng 115 người; Trung cấp 873 người; sơ cấp 5.716 người; tổng số tốt nghiệp 6.313 người, trong đó trình độ: cao đằng 41 người; Trung cấp 290 người; Sơ cấp 5.982 người.

Về chỉ tiêu đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội: Để hoàn thành chỉ tiêu này, Ngành đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 22/4/2021 triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 13/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; hướng dẫn triển khai công tác Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2021… Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai chương trình khám sàng lọc các dạng khuyết tật cho 677 trẻ em trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ định phẫu thuật và can thiệp 513 ca (tim 152 ca, mắt 48 ca, nụ cười 34, vận động 60 ca, phục hồi chức năng 219 ca); phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội khám chỉ định, tư vấn và hội chẩn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho 78 trẻ em bị nghi mắc bệnh tim bẩm sinh, kết quả có 38 trẻ em được chẩn đoán bệnh lý tim mạch, trong đó có 23 trẻ em có chỉ định mổ, 15 trẻ phải theo dõi. Tặng quà cho 20 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thuộc huyện Chiêm Hóa với tổng trị giá trên 26 triệu đồng; Hỗ trợ 174 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn với trị giá 174 triệu đồng, trao 70 xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Chiêm Hóa, trị giá trên 120 triệu đồng. Triển khai chương trình “Quỹ Sữa vươn cao Việt Nam” cho 861 học sinh đang học tại 03 trường vùng khó khăn của huyện Yên Sơn, trị giá gần 550 triệu đồng.

Với mục tiêu và giải pháp cụ thể, tin tưởng các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách sẽ được thực hiện quyết liệt, hiệu quả tại các xã trên địa bàn tỉnh, góp phần vào kết quả chung trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang năm 2021 và những năm tiếp theo./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục