Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới ở Hòa Mục

Đúc kết chặng đường hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có thể khẳng định “tài sản” quý nhất mà tỉnh có được đó chính là: Ý đảng - lòng dân, “đánh trúng” vào nhu cầu, nguyện vọng của ngườidân nên Chương trình xây dựng nông thôn mới đã nhanh chóng đi vào đời sống, làm cho dân tin và dân nhiệt tình tham gia, hưởng ứng, tích cực, tự nguyện đóng góp để thực hiện Chương trình tại thôn, xóm, xã. Việc phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sức mạnh to lớn làm đổi thay diện mạo nông thôn của tỉnh trong thời gian qua.

Thôn Hòa Mục, xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang có tổng diện tích tự nhiên 4,2 km2, với 203 hộ gia đình, 877 nhân khẩu, trong đó có 166 hộ làm nông nghiệp, 19 hộ làmphi nông nghiệp. Thôn có 6 dân tộc cùng sinh sống, kinh tế chủ yếu của thôn là phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.Trong những năm qua, cấp ủy chính quyền thôn luôn tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời cũng xác định sự tham gia của người dân vào xây dựng nông thôn mới được coi như nhân tố quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thôn, xã. Quá trình tham gia của người dân trong các hoạt động phát triển của thôn luôn đúng và phù hợp với quan điểm của Đảng là “Lấy dân làm gốc”, “Dân thông, mọi việc sẽ thông”. Điều đó được thể hiện qua công tác dân chủ trong xây dựng nông thôn mới tại thôn Hòa Mục theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân thụ hưởng”.

Bà Trần Thị Thoa, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hoà Mục, xã Thái Long cho biết: Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cán bộ và nhân dân thôn Hòa Mục luôn chủ động, tích cực tham gia đóng góp các nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn. Được Nhà nước quan tâm, đầu tư hỗ trợ, người dân trong thôn đãhiến đất, tường rào, vật kiến trúc, hoa màu để giải phóng hành lang trục đường xã, các công trình đường giao thông thôn, xóm, đường nội đồng… Kết quả: Toàn thôn có21 hộ hiến 3.264 m2đất trị giá ước tính trên 1 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, cụ thể như việc đóng góp 260 triệu đồng xây dựng 02 nhà văn hóa gắn với sân thể thao phục vụ nhu các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân; đóng góp 1,6 tỷ đồng để bê tông hóa 5,5 km đường giao thông nông thôn;540 triệu đồng để bê tông hóa 1,8 km đường nội đồng; lắp đặt 1,9 km cống thoát nước ở khu dân cư với số tiền đóng góp là 550 triệu đồng và 2,1 km đường điện thắp sáng làng quê với số tiền là 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị- xã hội trong thôn đã tuyên truyền vận động cán bộ và nhân dân thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ xã về phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí sau khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần hoàn thành mục tiêu chung xây dựng xã Thái Long đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới. Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả các Phong trào thi đua yêu nước tại địa phương gắn với phong trào “Dân vận khéo” để phát huy hơn nữa vai trò, sự chủ động của người dân trong việc tham gia đóng góp các nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế- xã hội theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Trong quá trình triển khai xây dựng 03 công trình vệ sinh đạt chuẩn gắn với việc thực hiện Tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Ban Phát triển thôn đã phát động phong trào thi đua ủng hộ tiền, ngày công lao động để xây mới, nâng cấp hoàn thành 21 công trình trong đó: 19 công trình nhà tiêu, 01 công trình nhà tắm, 01 giếng nước cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộthương binh, hộ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền ủng hộ đóng góp là22.500.000 đồng, 167 ngày công lao động.Đến nay 100% các hộ dân có 03 công trình vệ sinh đạt chuẩn theo quy định. Thôn cũng đã hỗ trợ, đóng góp để xóa nhà tạm cho 02 hộ nghèo, vì vậy thôn Hòa Mục hiện nay không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Không chỉ thể hiện vai trò chủ thể của người dân trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, người dân thôn Hòa Mục còn chủ động cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế, gắn với đó là xây dựng “Vườn mẫu nông thôn mới”. Bà Thoa chia sẻ thêm: Thời điểm ban đầu vừa mới phát động các hộ dân trong thôncải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế, xây dựng “Vườn mẫu nông thôn mới”chỉ có 21 hộ tham gia với diện tích khoảng 6,5 ha, tiêu biểu là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Cậy đã mạnh dạn chuyển đổi 0,6 ha vườn tạp sang trồng cây ăn quả, sau 03 năm vườn cây ăn quả của gia đình anh Cậy đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, nhờ đó, các hộ gia đình khác trong thôn cũng dần thay đổi nhận thức và tự nguyện tham gia thực hiện phát triển kinh tế vườn hộ gia đình.

Vườn cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Văn Cậy, thôn Hòa Mục, xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang

Từ những kết quả đạt được, Ban Phát triển thôn Hòa Mục đã rút ra một số kinh nghiệm: Trước hết, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, bởi thực tế nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, tập trung chỉ đạo cụ thể, sâu sát, quyết liệt, có cách làm năng động, sáng tạo, phát huy được lợi thế của địa phương, cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhân dân nhiệt tình ủng hộ thì ở đó kết quả xây dựng nông thôn mới sẽ đạt thành tích cao. Song song với đó cần chú trọng, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ thông qua các cơ chế, chính sách. Từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức và hành độngđể huy động nguồn lực của xã hội cả về trí tuệ, công sức và kinh phí để xây dựng các công trình trên địa bàn thôn, xã.

Mặt khác, công tácdân chủ ở cơ sở phải được đặt lên hàng đầu, việc công khai cho các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và mọi người dân được tham gia đóng góp xây dựng và giám sát quá trình thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng ở thôn, xóm, xãtránh được tình trạng có công trình hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng không mang lại hiệu quả thiết thực, lãng phí nguồn lực đầu tư. Chủ động phân cấp để cộng đồng dân cư có thể trực tiếp tham gia xây dựng các công trình, phát huy vai trò giám sát của Ban giám sát cộng đồng để đảm bảo chất lượng công trình phát huy hiệu quả vốn đầu tư để nhân dân tin tưởng. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện những vấn đề còn tồn tại, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đánh giá sơ kết, rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng những điển hình hay cách làm sáng tạo; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới. Kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm thành công từ các chương trình, dự án đã triển khai thực hiện trước đây mang lại hiệu quả cho người dân để vận dụng sáng tạo vào xây dựng nông thôn mới, phấn đấu xây dựng thôn Hòa Mục đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu” trong thời gian tới./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục