Phát triển nông nghiệp hàng hóa chủ lực

Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVI), các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực tiếp tục phát triển mạnh; thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phát huy lợi thế để phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Đó là mục tiêu  Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025 đã đề ra.


Ảnh: Phát triển cây Chè hàng hóa xã Tân Trào, huyện Sơn Dương

  Kết quả sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết của Ban chấp Đảng bộ tỉnh đã có 01/16 chỉ tiêu vượt kế hoạch (vùng cam tập trung vượt 37,4% so mục tiêu Nghị quyết), 13/16 chỉ tiêu đạt kế hoạch theo lộ trình (Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; giá trị sản xuất nông nghiệp; giá trị sản xuất lâm nghiệp; giá trị sản xuất thủy sản; tỷ trọng giá trị nông sản hàng hóa chủ lực/tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản; giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác; diện tích chè; diện tích cây lạc; diện tích lạc giống; diện tích trồng rừng gỗ nguyên liệu; diện tích rừng gỗ lớn; tỷ trọng về sản phẩm chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại/tổng sản phẩm chăn nuôi; tỷ lệ diện tích cam, chè, mía được tưới chủ động). Đặc biệt, các sản phẩm hàng hoá nông nghiệp chủ lực (gồm: Cam, chè, mía, lạc, gỗ rừng trồng, trâu và cá đặc sản) đã được sự quan tâm đầu tư phát triển ở tất cả các khâu:

1. Xây dựng, điều chỉnh 05 quy hoạch ngành, lĩnh vực: Đất đai, lâm nghiệp, cơ cấu 3 loại rừng, thủy lợi, thủy sản.

2. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sản xuất giống: Trồng 560,8 ha rừng bằng cây keo mô, sản xuất 1,3 triệu cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô; sản xuất cá giống đặc sản (trên 22.600 con), thụ tinh bằng phương pháp nhân tạo cho trâusinh sản; xây dựng 230 km kênh mương bằng công nghệ bê tông thành mỏng đúc sẵn; trồng 432 ha cam chu kỳ 2 bằng giống cam ghép sạch bệnh.

3. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất. So với năm 2015: Tăng 05 doanh nghiệp, 338 trang trại, 104 hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản; hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hiệu quả (hiện có 54 hợp tác xã có hợp đồng liên kết tiêu thụ).

4. Làm tốt công tác mời gọi, xúc tiến đầu tư: Thu hút 18 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số vốn cam kết trên 1.500 tỷ đồng, trong đó một số nhà đầu tư lớn, như: Công ty Cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty Cổ phần Woodsland, Công ty TNHH Trường Thọ Việt Nam. Mở rộng sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn: 195,7 ha cam, 22,5 ha chè, 1.880 m3 lồng nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, 807 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn Rainforest, 16.478,5 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng (FSC); giữ vững 31 nhãn hiệu nông sản hàng hóa hiện có, trong đó nhiều nông sản hàng hóa tiếp tục khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu (chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017”; cá lăng, chè đặc sản Vĩnh Tân được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2017”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 Thương hiệu-Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018).

5. Tổ chức thực hiện đồng bộ 08 chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực và các thành phần kinh tế, trong đó ban hành mới 05 chính sách; cân đối 576,94 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện các chính sách (Ngân sách hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND là 15,89 tỷ đồng; Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐND là 561,05 tỷ đồng); lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ từ Trung ương cho nông nghiệp, nông thôn.

6. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản tăng bình quân 4,02%/năm; các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực tiếp tục phát triển mạnh, giá trị hàng hoá chủ lực chiếm 55,53% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản; thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên (năm 2017, thu nhập bình quân người dân nông thôn theo giá hiện hành đạt 2,087 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,2 lần so năm 2015); góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới theo lộ trình, kế hoạch.

Kết quả thực hiện Nghị quyết tiếp tục làm rõ “Quan điểm phát triển nông nghiệp hàng hóa” của tỉnh Tuyên Quang: “(1) Phát triển nông nghiệp hàng hóa phù hợp với kinh tế thị trường, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Phát triển hàng hoá kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển; (2) Phát triển nông nghiệp hàng hóa là động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá; tập trung vào cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương với quy mô lớn, sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.


Ảnh: Rừng trồng tại huyện Yên Sơn

Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025 về phát triển nông nghiệp hàng hóa các sản phẩm chủ lực, Tỉnh xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo quyết liệt: (1) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, vận động cán bộ, công nhân viên chức lao động và nhân dân tổ chức thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch, Đề án, cơ chế chính sách tỉnh đã ban hành; (2) Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện, thành phố, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy hoạch chi tiết phát triển vùng cam. Rà soát điều chỉnh, bổ sung và thực hiện công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh vài tập trung triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch, đề án; (3) Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn; mở rộng các ngành nghề dịch vụ, gắn với chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa, đảm nhiệm tốt vai trò đại diện của nông dân trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ. Tổ chức tốt sản xuất các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; (4) Triển khai thực hiện tốt chương trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; (5) Xây dựng kế hoạch chi tiết về nội dung thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn tỉnh.Tăng cường sự liên kết vùng đối với các sản phẩm chủ lực. Thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; (6) Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh; kịp thời chỉnh sửa, bổ sung hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định là nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, các ngành trong việc cụ thể hóa thành mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo lĩnh vực ngành và địa bàn quản lý, phụ trách để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra./.

Trần Gia Lam/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục