Tuyên Quang - 10 năm thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật mang tính toàn diện, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, hạ tầng phát triển sản xuất được quan tâm, đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngày càng ổn định.

Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã (Nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang)

Cấp Ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể của địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), kết luận của Bộ Chính trị, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đảm bảo hiệu quả, phù hợp và đã đạt được một số thành tựu cơ bản:

1. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2008-2017 tăng bình quân 4,4%/năm, sản lượng lương thực hằng năm trên 32 vạn tấn. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đi sâu phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực của từng lĩnh vực: (1) Các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đã được hình thành và có sự chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường (Vùng Cam theo tiêu chuẩn VỉetGAP là 195,7 ha; vùng Chè theo tiêu chuẩn VietGAP và Rainforest là 830 ha; vùng Lạc 4.294 ha; vùng Mía 10.831 ha; năng suất các cây trồng chủ lực (Chè, Cam,Mía, Lạc) tăng bình quân hàng năm từ 1,6-7,0%). (2) Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng trang trại, gia trại (toàn tỉnh có 09 hợp tác xã và 244 trang trại, chiếm tỷ trọng 35,2%), có trên 386 hộ chăn nuôi quy mô từ 300-1.000 con lợn thịt/lứa, từ 2.000-5.000 con gia cầm/lứa. (3) Thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC: Diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu hiện có 110.469 ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn 37.707,2 ha, rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC là 17.282,6 ha; đầu tư xây dựng nhà nuôi cấy mô công suất 1,5 triệu cây giống lâm nghiệp; thu hút đầu tư 04 dự án chế biến gỗ, 01 dự án sản xuất giống cây lâm nghiệp. (4) Nuôi cá lồng trên sông, trên hồ thủy điện phát triển mạnh, với tổng số 1.853 lồng nuôi cá, trong đó: Nuôi bằng các giống có giá trị kinh tế cao là 583 lồng, chiếm 31% tổng số lồng nuôi cá; sản lượng cá đặc sản thương phẩm nuôi trong lồng đạt trên 300 tấn.


Người dân thôn 9 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) có thu nhập ổn định từ mô hình trồng Cam theo tiêu chuẩn VietGap (Nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang)

2. Ngành nghề nông thôn (chế biến nông, lâm, thủy sản,...) và dịch vụ (vật tư nông nghiệp, vận tải, vật liệu xây dựng,...) có sự phát triển mạnh, đến nay toàn tỉnh có 15.480 cơ sở sản xuất kinh doanh (trong đó có 262 doanh nghiệp, 57 HTX, 15.159 hộ gia đình), tăng 13.939 cơ sở so với năm 2008, tổng số lao động tại các cơ sở là 31.526 lao động. Thành lập 06 làng nghề chè tại huyện Sơn Dương; hỗ trợ, tư vấn xây dựng 31 nhãn hiệu sản phẩm gắn với xây dựng chất lượng tiêu chuẩn cơ sở.

3. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, đặc biệt về hạ tầng thủy lợi, đảm bảo tỷ lệ tưới chắc đạt 81,56% diện tích gieo cấy. Công tác phòng chống thiên tai được tích cực triển khai thực hiện với phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện, bước đầu đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

4. Công tác quản lý về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản đã có nhiều chuyển biến tích cực (đã tổ chức đánh giá phân loại được 1.252 cơ sở cấp 4.990 bản cam kết sản xuất thực phẩm an toàn cho 2.495 hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ). Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thường xuyên, đã kịp thời chấn chỉnh, hạn chế hàng hóa không có nguồn gốc, kém chất lượng, quá hạn sử dụng lưu thông trên thị trường.

5. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có sức lan tỏa sâu rộng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được toàn xã hội quan tâm, hưởng ứng, tích cực tham gia và đạt được kết quả quan trọng (đã có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số tiêu chí bình quân lên trên 12 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 05 tiêu chí). Người dân nông thôn có đời sống vật chất và tinh thần tốt hơn, thu nhập bình quân tăng 3,3 lần so với năm 2008. Nhu cầu giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin - truyền thông cơ bản được đáp ứng. Vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy, nhất là trong tham gia thực hiện các chính sách theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương được duy trì, củng cố và phát triển. Môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm được người dân quan tâm.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đã có 7/21 chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu đến năm 2020; 05/21 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu năm 2017 và 09/21 chỉ tiêu còn lại đang tiếp tục thực hiện. Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được xác định phải thực hiện lâu dài, liên tục. Với những kết quả đạt được trong 10 năm qua vànhững kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện ở Tuyên Quang có ý nghĩa lâu dài cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh./.

Thu Hương/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục