Nông thôn ngày mới

TQĐT - Sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vượt lên khó khăn của các địa phương, sự chung tay vào cuộc của người dân - những chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang tạo nên một bức tranh mới với những gam màu mới, giàu hơn, đẹp hơn ở nhiều miền quê nông thôn.

Báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, trong năm 2016 này, tiếp tục hỗ trợ các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh đã đầu tư 116,4 tỷ đồng. Tỉnh đã duy trì thành công 10 xã xây dựng NTM, 6 xã nằm trong lộ trình hoàn thành trong năm 2016 cũng đã cập bến. Mục tiêu trong năm 2017, tỉnh có thêm 7 xã Khuôn Hà (Lâm Bình); Hòa Phú (Chiêm Hóa); Thái Hòa (Hàm Yên); Trung Môn, Kim Phú (Yên Sơn); Đại Phú, Hồng Lạc (Sơn Dương) hoàn thành NTM.


Người dân tham gia các hoạt động tại Nhà văn hóa thôn Đon Thài,
xã Côn Lôn (Nà Hang). Ảnh: Thanh Phúc

Xã Kim Bình sau hơn 1 năm hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã thay đổi diện mạo rất nhiều. Đồng chí Đào Ngọc Vang, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay, các công trình trường học, bệnh viện khu vực, đường giao thông... đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, phục vụ tốt cho việc sản xuất và sinh hoạt của bà con. Hạ tầng phát triển đã tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại dịch vụ phát triển. Thôn Đồng Ẻn giờ đã trở thành khu dân cư thương mại, bởi tại đây các cửa hàng, cửa hiệu tự chọn - mô hình thương mại tưởng chừng như chỉ có ở thành phố, đô thị thì nay cũng được xây dựng để phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con.  Anh Ma Văn Hùng, thôn Đồng Ẻn phấn khởi cho biết: Bên cạnh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, may mặc; các mặt hàng điện tử, điện lạnh cũng được các tiểu thương đưa về nên giờ bà con không còn phải ra thị trấn hay về trung tâm thành phố mới mua được nữa. 


Người dân thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh (Sơn Dương) làm đường
bê tông nội đồng.  Ảnh: Cao Huy

Trong sản xuất nông nghiệp, từ thói quen sản xuất manh mún nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, người dân Kim Bình đã dần chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa. Hiện nay, toàn xã có khoảng 500 ha chuối tây cho thu hoạch, sản phẩm chuối tây Kim Bình không những xuất bán ra các tỉnh trong khu vực mà đã xuất khẩu sang thị trường ngoài nước. Thống kê chưa đầy đủ hàng năm, xã Kim Bình đã xuất bán ra thị trường trên 7.000 tấn chuối quả. Ngoài sản phẩm chuối tây, cây mía trở thành cây làm giàu cho người dân địa phương. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 21 triệu đồng/người/năm.  

Xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) từ một xã khó khăn giờ đã vươn mình trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM. Đồng chí Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng khẳng định, xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, người dân trong xã đã tự nguyện đóng góp công sức, vật chất trị giá trên 60 tỷ đồng để xây dựng 131 km đường giao thông nông thôn; 25 nhà văn hóa thôn; kiên cố 28 km kênh mương nội đồng. Người dân Mỹ Bằng còn tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất, chế biến chè. Hiện nay, toàn xã có 670 ha chè đang cho thu hái, sản lượng hàng năm đạt khoảng 8.000 tấn, doanh thu trung bình đạt trên 35 tỷ đồng/năm. Cùng với sản xuất chè lai, người dân Mỹ Bằng đã mạnh dạn thử nghiệm, từng bước nhân rộng giống chè đặc sản có lợi thế cạnh tranh cao như:  Chè Bát Tiên, chè Ngọc Thúy... Hiện nhãn hiệu sản phẩm gà chất lượng cao Mỹ Bằng, chè Ngọc Thúy, chè Bát Tiên đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm đã liên kết sản xuất với trên 90 hộ dân nhằm tạo ra vùng chè an toàn, đáp ứng nguồn nguyên liệu để chế biến chè xuất khẩu. Cùng với sự xuất hiện của doanh nghiệp lớn, trên địa bàn xã còn có các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp tham gia cung ứng các dịch vụ phát triển sản xuất hàng hóa như: Hợp tác xã nông, lâm nghiệp; hợp tác xã vận tải; tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ…

Không riêng các xã đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia, tại các xã đang nằm trong lộ trình, công cuộc xây dựng NTM là luồng sinh khí cho cả chính quyền và người dân. Theo ông Phùng Trọng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Lai, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, chính quyền, người dân trong xã góp sức xây dựng 39 công trình, trong đó có 9 công trình nhà lớp học, các công trình phụ trợ; 30 nhà văn hóa, sân thể thao. Bên cạnh sự đầu tư kết cấu hạ tầng, xã Ninh Lai tập trung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân bằng việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt được nhân rộng ra 20/20 thôn. Xã cũng tổ chức thành công mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa với diện tích hàng chục ha. Với những nỗ lực không ngừng, đến nay Ninh Lai đã cán đích NTM.

Sự đầu tư của Nhà nước và sự chung tay vào cuộc của người dân đã mang đến một sức sống mới cho mỗi vùng quê - sức sống của giàu mạnh, ấm no và hạnh phúc. 

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục