Na Hang nỗ lực giảm nghèo

Nhờ phát huy tính dân chủ và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/HU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XXII) về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, huyện Na Hang đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Đặc biệt nông nghiệp huyện những năm qua đã chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, các nông sản chủ lực như chè, rau trái vụ, cá hồ sinh thái… dần khẳng định giá trị, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho người dân.

Hội thi tuyên truyền viên giỏi về công tác giảm nghèo năm 2023

Liên kết làm giàu

Hồng Thái đang là xã đi đầu trong phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Na Hang. Hiện, xã đang duy trì trên 61,6 ha chè Shan tuyết, 30 ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Đồng thời, xã cũng quy hoạch phát triển 37 ha cây ăn quả, hơn 25 ha trồng bắp cải, súp lơ, cà chua, su su...Hiện tại, mô hình trồng lê đang thu hút gần 200 hộ dân trên địa bàn xã Hồng Thái tham gia sản xuất. Để nâng cao hiệu quả, huyện đã hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác.

Đáng chú ý, huyện đã chủ động hình thành chuỗi liên kết kết giữa các hộ nông dân, nhà khoa học, cùng Hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp để tạo dựng thương hiệu sản phẩm lê Na Hang. Điển hình, trong 5 năm qua, huyện phối hợp triển khai Dự án ứng dụng khoa học - công nghệ trong việc trồng, chăm sóc và phát triển cây lê trên địa bàn xã nhằm phát triển cây ăn quả đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa.

Anh Bàn Văn Liều, dân tộc Tày, xã Hồng Thái cho biết, năm 2005, anh mạnh dạn đưa vào trồng 150 cây lê trên diện tích vườn của gia đình, đến nay vườn lê của anh đã cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn quả/năm, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng.

Cây chè cũng đang là sản phẩm kinh tế chủ lực ở Hồng Thái. Để phát triển bền vững, UBND xã đã tạo điều kiện để 2 HTX tại địa phương là HTX Sơn Trà và HTX nông nghiệp Tân Hợp và các doanh nghiệp liên kết với người dân phát triển sản xuất chè gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ông Đặng Ngọc Phố, đại diện HTX Sơn Trà cho biết, cùng với sự đồng hành của địa phương, sự vào cuộc tích cực của các HTX và thành viên... đến nay chỉ riêng xã Hồng Thái đã có 6 sản phẩm được công nhận OCOP. Giá trị sản xuất chè đạt bình quân trên dưới 200 triệu đồng/ha/năm.

Hiệu quả từ nghề nuôi cá lồng

Không chỉ có cây ăn quả hay cây chè ở Hồng Thái, dựa trên tiềm năng từ lòng hồ sinh thái, nước mặt đập thủy điện rộng trên 1.000 ha, huyện Na Hang đã chú trọng phát triển chăn nuôi thủy sản theo hướng an toàn nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Trong năm 2022, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản của huyện Na Hang đạt hơn 1.500 tấn, đạt trên 100% kế hoạch. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, hiện trên địa bàn huyện hiện nay có trên 100 hộ gia đình nuôi cá trên sông và vùng lòng hồ, với tổng số trên 1.000 lồng cá. Nhờ hiệu quả cao, mô hình chăn nuôi thuỷ sản đã giải quyết việc làm cho gần 600 lao động tại địa phương. Tổng sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên đạt trên 400 tấn/năm, nhiều hộ gia đình nuôi thủy sản thu lãi cả trăm triệu đồng trên năm từ việc nuôi cá lồng. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu bền vững.

Mô hình nuôi cá lồng của gia đình bà Phạm Thị Tình, Tổ dân phố 2, thị trấn Na Hang. Nhờ chọn đúng hướng đi và áp dụng đúng quy trình chăm sóc mà số cá lồng của gia đình bà phát triển ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không dừng lại ở đó, đầu năm 2022 nhận thấy tiềm năng lớn về thị trường cá đặc sản, gia đình bà Tình đã mạnh dạn vay nguồn vốn ngân hàng để cải tạo lồng và mở rộng quy mô nuôi cá. Hiện nay, mô hình phát triển kinh tế của gia đình bà đã tăng số lượng lên 50 lồng. Chủ yếu là các loại cá: ngạnh, lăng, trắm đen, chép… Với quy trình sản xuất khoa học, mô hình nuôi cá lồng đặc sản của gia đình bà Tình cho hiệu quả cao, mỗi năm thu nhập chưa trừ chi phí của gia đình bà trên 300 triệu đồng, tạo được việc làm cho 10 lao động với mức lương trung bình 5 đến 10 triệu/tháng.

Dựa trên những thành công đang có, huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025, riêng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện đạt khoảng 1.200 lồng (65% lồng cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao, 35% lồng truyền thống), sản lượng nuôi đạt trên 2.400 tấn.

Để hoàn thành, các đơn vị chức năng sẽ đẩy mạnh tập huấn cho bà con quy trình nuôi cá lồng trên sông, hồ theo hướng VietGAP; đa dạng hóa các loại cá nuôi, hướng vào các đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị cao. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho nhân dân. Khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giữa HTX, doanh nghiệp và người nuôi hoặc hình thành các HTX, tổ hợp tác làm điểm tựa cho người dân.

Phát triển bền vững

Có thể thấy, nhờ khai phá tốt các tiềm năng sẵn có, huyện Na Hang đang dần hình thành các mặt hàng nông sản có thế mạnh đặc trưng, giá trị kinh tế vượt trội. Các sản phẩm của huyện đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gồm rau an toàn Hồng Thái, rau trái vụ Khâu Tinh, cá đặc sản Na Hang; sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (Organic). Ngoài ra, sản phẩm cao chanh Khau Tinh, lê Hồng Thái đã có tem truy xuất nguồn gốc.

Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Na Hang cho biết, việc phát huy các lợi thế để xây dựng sản phẩm thế mạnh là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa của huyện. Hướng tới mục tiêu phát huy nội lực và gia tăng giá trị.

Hiệu quả của quá trình phát triển nông nghiệp đang giúp huyện Na Hang đẩy nhanh quá trình giảm nghèo, mang lại thu nhập cao cho người dân. Tính đến tháng 11/2023 Na Hang có 45 Hợp tác xã, 05 doanh nghiệp, trong đó có 19 HTX có tổ chức liên kết sản xuất; có 28 sản phẩm OCOP. Trong đó có 2 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, 08 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Năm 2023, huyện đề ra mục tiêu giảm 801 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện từ 40,7% xuống còn 32,6%; giảm 489 hộ cận nghèo.

Để hoàn thành mục tiêu, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển bền vững các vùng sản xuất quy mô lớn trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm nông nghiệp của từng địa phương.

Trong đó, huyện hỗ trợ, khuyến khích mở rộng vùng sản xuất đậu tương, đậu xanh, lúa nếp cái hoa vàng tại các xã có điều kiện; khuyến khích phát triển chăn nuôi đàn gia súc (trâu, bò, dê).

Đồng thời, huyện sẽ tạo cơ chế thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi cá trên hồ sinh thái gắn với chế biến thủy sản. Từng bước xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn; đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho người dân…

Với những giải pháp đồng bộ được triển khai, hy vọng công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Na Hang trong thời gian tới tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được hiệu quả cao hơn. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM năm 2023./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục