Hội nghị toàn quốc tổng kết, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn

Từ ngày 02/12 đến ngày 03/12/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2016-2020 và định hướng thực hiện giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Yên Bái.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số Bộ, Ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Yên Bái chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị, có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đại diện một số tổ chức quốc tế; đại biểu là lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Văn phòng điều phối nông thôn mới và đại biểu đại diện cấp huyện, cấp xã, thôn, bản, ấp của 47 tỉnh có địa bàn đặc biệt khó khăn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, chủ trì Hội nghị.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt giai đoạn 2016-2020: Toàn quốc, có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn, nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay, đã có 315/2.430 xã ĐBKK, xã ATK thuộc Chương trình 135 và xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM (đạt 13%); 15/108 xã (13,9%) thuộc bốn Đề án xây dựng NTM đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM; 337/3.513 thôn, bản ĐBKK thuộc Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 9,6%). Ước đến hết năm 2020 có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM.

Tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng khoảng 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước), trong đó: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ chiếm khoảng 4,9%; vốn lồng ghép từ các Chương trình dự án án chiếm khoảng 15,5%; vốn tín dụng chếm 64,1%; vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng và đóng góp tự nguyện của người dân chiếm khoảng 6,5%. Thông qua đó đã góp phần đạt được những kết nổi bật:

Về hạ tầng kinh tế - xã hội, đến nay có khoảng 80% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa; 73% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được cứng hóa; trên 70% số thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa; 100% số xã và 97,8% số thôn đã có điện lưới quốc gia; công trình thủy lợi đã đáp ứng 75-80% nhu cầu tưới, tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 58,6% xã có nhà văn hóa, 78,7% số thôn, bản có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng… đó là điều kiện căn bản, thiết yếu để góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Về kinh tế nông thôn cũng có chuyển biến tích cực, một số địa phương đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế vùng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất quy mô tập trung, điển hình như tỉnh Sơn La đã phát triển vùng cây ăn trái đạt khoảng 100.000ha, dần trở thành vựa trái cấy lớn nhất cả nước. Cùng với đó, một số địa phương đã xây dựng được các mô hình hợp tác, liên kết hiệu quả theo chuỗi sản phẩm, quản lý rừng bền vững trong lâm nghiệp, hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung và phát triển diện tích trồng dược liệu xen ghép,… Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho nông sản, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản, tăng cường các hoạt động kinh tế mậu biên vùng biên giới. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP“ đã được nhiều địa phương chú trọng triển khai, kết quả đã chuẩn hóa khoảng 1.061 sản phẩm OCOP (chiếm 50,8% của cả nước). Từ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5,65%/năm tại các huyện nghèo, giảm bình quân khoảng 4%/năm tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thu nhập bình quân hộ nghèo khu vực nông thôn dự kiến đến cuối năm 2020 tăng khoảng 1,6 lần số với năm 2015.

Dịch vụ y tế, giáo dục, phát  triển văn hóa cơ sở và bảo vệ môi trường nông thôn được củng cố, tăng cường; công tác quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực (các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên chỉ còn 3.307 hộ; giảm 10 lần so với các năm giai đoạn trước năm 2015). Vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, người có uy tín trong cộng đồng được phát huy, nâng cao, khả năng tiếp cận pháp luật được tăng cường. An ninh trật tự cơ bản được giữ vững, tăng cường kiểm soát, hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động kinh tế, giao lưu văn hóa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới, buôn ma túy, buôn người, bảo vệ rừng, hạn chế tệ nạn xã hội,…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương các thành tích đạt được trong việc xây dựng nông thôn mới vùng ĐBKK giai đoạn 2016-2020, đồng thời nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nông thôn mới tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, để tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương vùng đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: Việc triển khai xây dựng nông thôn mới tại các xã ĐBKK phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, vùng, miền, không nên máy móc áp dụng các kinh nghiệm và mô hình xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bằng, có điều kiện kinh tế hơn; không nhất thiết xây dựng bằng được xã đạt chuẩn nông thôn mới, trước mắt có thể tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu rộng tới các cấp chính quyền và người dân phương châm xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân, người dân hưởng lợi, dân làm, nhà nước hỗ trợ. Tránh tâm lý ỷ lại vào ngân sách Trung ương. Yêu cầu sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là vai trò của người lãnh đạo đứng đầu, phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Các địa phương cần quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để hoàn thành các mục tiêu phấn đấu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn xã theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn với bố trí, ổn định dân cư, bảo đảm phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quan tâm đến công tác đào tạo nghề, phát triển ngành nghề truyền thống gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu tại địa phương, các sản phẩm đặc sản có lợi thế theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP”. Đồng thời, phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển dịch vụ du lịch, đặc biệt du lịch cộng đồng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, các ban, bộ, ngành liên quan, thống nhất đề xuất cơ chế lồng ghép cơ chế, chính sách và nguồn lực thực hiện của ba chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương vùng đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới; không trùng lặp về đối tượng, nội dung hỗ trợ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước trên cùng địa bàn.


Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La.

Trong chương trình Hội nghị, đã tổ chức các gian hàng để trưng bày, triển lãm, quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đã được chuẩn hóa theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” của các hợp tác xã, các chủ thể OCOP thuộc một số tỉnh có xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn (Chương trình triển lãm diễn ra trong hai ngày, từ ngày 02/12/2020).

Cũng trong Chương trình Hội nghị, sáng ngày 02/12 các đại biểu thuộc các Bộ, Ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố đã đi tham quan thực tế về mô hình xây dựng nông thôn mới tại 03 xã (Hồng Ca, Tân Đồng, Đào Thịnh), huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Chiều cùng ngày đã diễn ra Hội thảo chuyên đề về “Xây dựng mô hình sinh kế giúp nâng cao thu nhập cho người dân ở thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn” và Hội thảo chuyên đề về “Xây dựng nông thôn mới thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn phát triển bền vững gắn với bảo vệ, giữ vững an ninh, quốc phòng”.

Trần Gia Lam/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục