Khơi dậy sức dân

- Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã được tỉnh ta cụ thể hóa bằng những giải pháp phù hợp, khơi dậy được sự vào cuộc của nhân dân. Người dân ở khắp các địa phương tích cực hiến đất, ủng hộ kinh phí, ngày công lao động xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trọng tâm là 3 công trình lớn. Sức dân đã làm nên diện mạo mới ở mỗi làng quê, tạo nên không gian nông thôn mới đầy sức sống.

Kết quả đáng tự hào

Với quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tham gia mạnh mẽ, tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân và toàn xã hội làm đổi thay diện mạo nông thôn mới. Những vùng quê nghèo khó trước đây đã được khoác lên tấm áo mới, kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.


Nhà văn hóa thôn Nà Pục, xã Đà Vị (Na Hang) được xây dựng khang trang. Ảnh: Quang Hòa.

Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực đóng góp xây dựng các công trình. “Sức dân cuồn cuộn” làm nên những công trình của “ý Đảng, lòng dân”, cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc - Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh nhấn mạnh. Đồng chí Việt cho rằng, nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, do đó, mỗi gia đình, mỗi người dân đều nêu cao ý thức đóng góp, đây là yếu tố nền tảng để xây dựng nên những công trình mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Trong 10 năm qua, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp được trên 2.139 tỷ đồng, 825.388 công lao động, hiến trên 10.000 m2 đất để xây dựng các công trình đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa thôn, bản gắn với khuôn viên và sân thể thao, trường học, trạm y tế… Toàn tỉnh đã xây dựng được trên 3.890 km đường giao thông nông thôn; tu sửa trên 316 công trình thủy lợi, kiên cố hóa hơn 900 km kênh mương, nâng tổng số toàn tỉnh có hơn 2.660 km/3.608 km được kiên cố hóa; cải tạo, nâng cấp, xây mới 1.218 công trình văn hóa; xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 59 công trình chợ nông thôn...

Với cách làm sáng tạo, bài bản, khoa học, đặc biệt là khơi dậy sức dân, Tuyên Quang đã đạt một số kết quả nổi bật, đáng tự hào. Từ một tỉnh xuất phát điểm thấp,  khi bắt tay triển khai xây dựng nông thôn mới, Tuyên Quang mới chỉ có 1 xã đạt trên 10 tiêu chí; 115 xã đạt dưới 5 tiêu chí và đặc biệt có 4 xã không đạt tiêu chí nào; bình quân đạt 2,8 tiêu chí/xã thì đến dự kiến năm 2020 tỉnh ta có 47 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã.


Nhân dân xã Hào Phú (Sơn Dương) vận chuyển, lắp đặt cấu kiện kênh mương. Ảnh: K.T

Những điển hình

Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện những điểm sáng, nhiều tấm gương điển hình trong việc đóng góp xây dựng các công trình, hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở. Trong niềm hân hoan với những kết quả đã đạt được là sự hy sinh lợi ích cá nhân của nhiều người để vì sự phát triển của quê hương.

Thôn Ka Nò nằm cách trung tâm xã Khuôn Hà (Lâm Bình) 3 km. Thôn có 126 hộ, với 573 nhân khẩu, dân tộc thiểu số chiếm 98%, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Ngày trước, thôn chưa có nhà văn hóa, đường giao thông chưa được bê tông, kênh mương chưa được kiên cố hóa, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Nhận thấy xây dựng nông thôn mới sẽ làm đổi thay diện mạo quê hương, người dân trong thôn đã bảo nhau ủng hộ kinh phí, hiến đất xây dựng các công trình. Thôn đã huy động nhân dân đóng góp trên 200 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn (bình quân mỗi hộ đóng góp trên 2 triệu đồng); huy động hơn 605 ngày công lao động để xây dựng 2.500 m đường giao thông, lắp đặt 1.800 m kênh mương; nhân dân hiến trên 2.760 m2 đất để xây dựng trường mầm non, xây dựng nhà văn hóa thôn. Ka Nò hôm nay như được khoác lên tấm áo mới, người dân hân hoan thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống. Ông Vân Phúc Hà, thôn Ka Nò đã hiến 560 m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn chia sẻ, vì sự phát triển của quê hương thì ông không nề hà, đất đai giờ là “vàng” đấy nhưng vì lợi ích chung thì ông sẵn sàng hy sinh quyền lợi của riêng mình. Sự vào cuộc của người dân Ka Nò góp phần để xã Khuôn Hà được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và đang ra sức thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.


Công trình “Thắp sáng đường quê” ở thôn Gạo Đình, xã Đức Ninh (Hàm Yên) phát huy hiệu quả sử dụng. Ảnh: K.T

Nhiều hộ gia đình trong tỉnh đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất hoa màu, di chuyển vật kiến trúc tạo điều kiện tốt nhất cho thôn, xã xây dựng các công trình. Tiêu biểu như gia đình ông Lý Văn Tôn, thôn 3 Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên) hiến 1.100 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; ông Nguyễn Văn Hải, thôn Núi Độc, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) hiến 1.326 m đất để xây dựng nhà văn hóa thôn; ông Nguyễn Văn Đáng, thôn Ninh Hòa 2, xã Ninh Lai (Sơn Dương) hiến 2.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; bà Trần Thị Mai, thôn Nà Vai, xã Năng Khả (Na Hang) hiến 1.150 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn… Đó là những gia đình, cá nhân điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới, được cộng đồng tôn vinh. Ông Nguyễn Văn Đáng, thôn Ninh Hòa 2, xã Ninh Lai (Sơn Dương) hiến 2.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn tâm sự: “Không có đường nó bó cái chân mình lại, làm ra sản phẩm đưa đi bán khó lắm, thương lái ép giá. Giờ có đường rồi, rau màu của người dân trong thôn bon bon về các khu công nghiệp của Vĩnh Phúc, không còn lo về đầu ra nữa”. Những đóng góp của người dân đã làm nên một Ninh Lai đầy sức sống, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Giờ về Ninh Lai đường bê thôn đến các thôn phẳng phiu, điện thắp đường quê lấp lánh lúc đêm về, nhà cửa được xây dựng khang trang bám các tuyến đường, nom chả khác gì phố…

Sự thay đổi ở mỗi miền quê, bức tranh nông thôn mới trở thành mạch nguồn cho thi ca nhạc họa. Có người đã sáng tác: Nóc quê giờ gắn số nhà/Xóm làng rộn rã như là phố đông/Thỏa lòng mong mỏi nhà nông/Một đời lam lũ chờ trông một ngày/Khoan thai cởi lớp vỏ dầy/Quê thay áo mới tràn đầy ước mơ/Khát khao tựa sóng xô bờ/Ủ sâu trong đất bây giờ lên xanh/Tươi như lá ở trên cành/Thắm như hoa hẹ hoa hành chân quê/Đi qua bao nỗi bộn bề/Xây nông thôn mới tràn trề niềm tin...


Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế (Sơn Dương)

Đến thời điểm này, xã Thiện Kế đã hoàn thành 18/19 tiêu chí, trong đó, các tiêu chí về hạ tầng đều đã được hoàn thành. Những kết quả trong xây dựng nông thôn mới ở xã là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân. Xã đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của chương trình để người dân tự nguyện tham gia, góp công, góp vốn xây dựng các công trình. Toàn xã đã huy động cho xây dựng nông thôn mới tổng số kinh phí 181 tỷ đồng, trong đó vốn huy động của nhân dân là 45 tỷ đồng. Xã thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; công khai tài chính, cơ chế chính sách trong huy động và sử dụng các nguồn vốn với người dân. Đồng thời, xã thành lập các ban giám sát cộng đồng, đối với 14 thôn đều thành lập 1 tổ giám sát cộng đồng để giám sát và công khai tài chính với người dân. Xã Thiện Kế phấn đấu cuối năm 2020 sẽ về đích nông thôn mới.


Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Chi bộ, thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn)

Theo tôi, cán bộ thôn có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền và noi gương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, bản thân tôi và gia đình đã tích cực trong phát triển kinh tế, tập trung chăn nuôi lợn quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học; tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo sân, vườn, chỉnh trang nhà ở, vệ sinh môi trường. Nhờ đó, bà con trong thôn tự nguyện đóng góp được gần 100 triệu đồng và hiến đất hoàn thành xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, cải tạo cây trồng, xây dựng vườn mẫu... đáp ứng tiêu chí nông thôn mới.


Ông Lê Văn Hùng, thôn 1 Mỏ Nghiều, xã Tân Thành (Hàm Yên)

Với mong muốn bà con trong thôn có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, nên sau khi thống nhất bàn bạc với gia đình, tôi đã hiến gần 200 m2 đất đồi chè để xây nhà văn hóa theo chuẩn nông thôn mới. Không chỉ hiến đất, tôi còn cùng với cán bộ xã, thôn tuyên truyền, vận động người dân trong thôn đóng góp hàng trăm ngày công làm nhà văn hóa. Đến cuối năm 2019, nhà văn hóa khang trang cùng với khuôn viên, sân thể thao hoàn thành đã giúp bà con trong thôn có chỗ hội họp, luyện tập thể thao và chỗ vui chơi cho trẻ em, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con trong thôn.

Bài, ảnh: Thành Công/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục