Cơ chế đặc thù trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Vấn đề cần quan tâm

Ngày 19/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (sau đây viết tắt là Nghị định số 27/2022/NĐ-CP), trong đó quy định cụ thể nội dung về cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.

Nhà văn hóa thôn thuộc xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên được xây dựng theo cơ chế đầu tư đặc thù từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang

Theo nội dung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Điều 13 quy định nguyên tắc tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù, như sau: (1) Các dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp được tổ chức thực hiện theo cơ chế đặc thù phải có sự tham gia của người dân trong quá trình lập hồ sơ, tổ chức thi công xây dựng, bảo trì công trình. Tỷ lệ số lượng dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo từng giai đoạn; (2) Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần vốn, phần còn lại do người dân đóng góp và từ nguồn vốn hợp pháp khác tại địa phương để thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Đối với dự án thực hiện trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% tổng mức đầu tư. Mức hỗ trợ thực hiện một dự án cụ thể từ ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền tại địa phương quyết định; (3) Đóng góp của người dân có thể bằng tiền hoặc bằng hiện vật, ngày công lao động được quy đổi thành tiền; phải được tính trong giá trị công trình để theo dõi, quản lý tỷ lệ đóng góp đã được thống nhất; không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước; (4) Ưu tiên sử dụng lao động, vật liệu tại chỗ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù. Đơn giá lập hồ sơ xây dựng công trình được xác định trên cơ sở giá thị trường; (5) Thanh toán vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải trên cơ sở kết quả nghiệm thu khối lượng công trình hoàn thành được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

Cũng theo nội dung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP (Điều 14) quy định tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù, gồm các dự án: Thuộc nội dung đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia; nằm trên địa bàn 01 đơn vị hành chính cấp xã, do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; tổng mức đầu tư dự án không vượt quá 05 tỷ đồng; kỹ thuật không phức tạp, có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình hoặc các thiết kế sẵn có đã áp dụng trên địa bàn cấp huyện; thuộc danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Về lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản, Điều 15 của Nghị định quy định các dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù được phép lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản, gồm các nội dung: Tên dự án, mục tiêu đầu tư, địa điểm xây dựng, diện tích đất sử dụng, chủ đầu tư, quy mô, thời gian thực hiện; tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư bao gồm: Kinh phí Nhà nước hỗ trợ (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương các cấp), đóng góp của người dân và vốn huy động hợp pháp khác; bản vẽ thi công theo thiết kế mẫu, thiết kế điển hình hoặc các thiết kế sẵn có, đã áp dụng trên địa bàn cấp huyện; bảng kê các chi phí đầu tư xây dựng; dự kiến năng lực tự thực hiện của người dân, cộng đồng hưởng lợi; kế hoạch lựa chọn nhà thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng dân cư.

Quá trình lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản căn cứ kế hoạch triển khai hỗ trợ đầu tư của địa phương, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, Ban quản lý xã thông báo đến cộng đồng dân cư tại thôn về dự án, công trình để tham gia vào quá trình lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản. Ban quản lý xã lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã thẩm định và phê duyệt. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho thôn thực hiện công trình, Ban phát triển thôn lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã thẩm định và phê duyệt. Trường hợp gặp khó khăn trong lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan chuyên môn trực thuộc cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản.

Nghị định số 27/2022/NĐ-CP cũng quy định cụ thể nội dung thẩm định Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản và phê duyệt đầu tư dự án, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu xây dựng dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. Đồng thời quy định rõ nội dung tổ chức, quản lý thi công, nghiệm thu công trình và thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng:

Xây dựng kênh mương thủy lợi được áp dung theo cơ chế đầu tư đặc thù trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (tuyến kênh mương thôn Nà Khau, xã Minh Quang, huyện Lâm Bình)

Về tổ chức thi công công trình: Căn cứ Quyết định phê duyệt đầu tư dự án, kết quả lựa chọn đơn vị thi công và kế hoạch giao vốn, Ban quản lý xã tiến hành ký kết hợp đồng với đại diện của cộng đồng dân cư, tổ chức, tổ nhóm thợ trúng thầu để tổ chức thực hiện. Trường hợp áp dụng cơ chế quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định này, căn cứ Quyết định phê duyệt đầu tư dự án, Ban quản lý xã ký hợp đồng với Ban phát triển thôn để tổ chức thực hiện.

Về quản lý chất lượng, giám sát thi công công trình: Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng, an toàn lao động, môi trường xây dựng, chi phí quản lý đầu tư xây dựng công trình đầu tư thực hiện theo cơ chế đặc thù. Ban quản lý xã, Ban giám sát của cộng đồng xã có trách nhiệm giám sát trong quá trình thi công công trình. Quy trình, thủ tục quản lý chất lượng thi công công trình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Về tổ chức nghiệm thu và thanh toán, quyết toán công trình: Ban quản lý xã tổ chức nghiệm thu công trình, thành phần gồm: đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý xã; Ban giám sát của cộng đồng xã; đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ thi công hoặc hợp tác xã; các thành phần có liên quan khác do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định. Quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán dự án, công trình áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Về chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư xây dựng.

Nội dung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP đã phân cấp về quản lý vận hành và bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù: Căn cứ quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã giao Ban quản lý xã hoặc Ban phát triển thôn trực tiếp quản lý vận hành công trình xây dựng; Ban quản lý xã xây dựng kế hoạch bảo trì; quyết định kế hoạch bảo trì và lựa chọn cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ, hợp tác xã thực hiện bảo trì công trình xây dựng. Nội dung bảo trì công trình gồm kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình và thay thế hạng mục, thiết bị công trình nhưng không làm thay đổi công năng, quy mô công trình. Quy trình, nội dung, định mức chi phí thực hiện công tác bảo trì công trình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Như vậy, việc triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) được phê duyệt thực hiện giai đoạn 2021-2025 sẽ được áp dụng thống nhất trên địa bàn cả nước về cơ chế đầu tư đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, theo hướng phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư, tạo điều kiện để cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ là người dân cư trú trên địa bàn xã có dự án, có kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật về tổ chức thực hiện gói thầu xây dựng có quy mô nhỏ và không phức tạp./.

Trần Gia Lam/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục