Chuẩn nghèo đa chiều thách thức trong xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 02 năm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ làm cho công tác giảm nghèo đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Song, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh Uỷ, Uỷ ban nhân dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố, tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo một cách hiệu quả góp phần không nhỏ trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị tập huấn toàn quốc về xây dựng nông thôn mới năm 2023

Ngày 27/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực từ ngày 15/3/2021 (Nghị định số 07), theo đó chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015, đồng thời quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 như sau:

Các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều

Với tiêu chí về thu nhập, Nghị định số 07 quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/tháng, khu vực thành thị 2.000.000 đồng/người/tháng.

Với tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, Nghị định số 07 nêu rõ các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin

Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình

Nghị định số 07 nêu rõ, chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Còn chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Còn chuẩn hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình nói trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022-2025.

Nhiều khó khăn, thách thức

Hết năm 2022, toàn tỉnh có 62/122 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó có 54 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 08 xã đang được các ngành chức năng thẩm định để đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên theo báo cáo của Sở Lao động - TB và XH hết năm 2022 toàn tỉnh chỉ có 38/122 xã đạt chuẩn tiêu chí Nghèo đa chiều, trong đó huyện Lâm Bình, huyện Na Hang (hai huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Tỷ lệ Nghèo đa chiều của Lâm Bình là: 48,52%, hộ cận nghèo là: 15,64%; Tỷ lệ Nghèo đa chiều của Na Hang là: 40,76%, hộ cận nghèo là: 13,64%. Đồng thời 2 huyện trên không có xã nào đạt chuẩn tiêu chí Nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (dưới 13%).

Năm 2023, Tuyên Quang đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: (Xã Khau Tinh huyện Na Hang; xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa; xã Minh Hương, Hùng Đức, Thành Long, huyện Hàm Yên; xã Xuân Vân, Chiêu Yên huyện Yên Sơn; xã Phú Lương, Tam Đa, Phúc Ứng, Kháng Nhật, Văn Phú, huyện Sơn Dương). Đến nay tiêu chí bình quân các xã về đích năm 2023 đạt 12,08/19 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt chủ yếu gồm: (Giao thông 11/12 xã; Trường học 11/12 xã; Cơ sở vật chất văn hoá 12/12 xã; Nhà ở dân cư 10/12 xã; Thu nhập 5/12 xã; Nghèo đa chiều 11/12 xã; Môi trường và an toàn thực phẩm 11/12 xã...). Cá biệt qua rà soát có xã đến nay mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí (Xã Khâu tinh huyện Na Hang). Trong 12 xã trên chỉ có xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương là đã đạt chuẩn Nghèo đa chiều: 8,52% và hộ cận nghèo là 2,45% (quy định là dưới 13%).

Việc triển khai thực hiện, đánh giá xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 với nhiều nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí yêu cầu tương đối cao. Điều này đặt ra nhiều thách thức với các địa phương trong quá trình thực hiện chương trình, đặc biệt là thu nhập và nghèo đa chiều. Thu nhập thấp, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế khó khăn, người dân không có điều kiện đầu tư xây dựng nhà ở, nên tiêu chí số 9 về Nhà ở dân cư cũng rất khó khăn khi thực hiện.

Nguyên nhân mà đa số các huyện, thành phố đang gặp phải là do điều kiện kinh tế - xã hội nhiều nơi còn khó khăn, thu nhập chính của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, trong khi quy mô sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Giao thông đi lại nhiều vùng không thuận tiện nên việc giao thương, trao đổi hàng hóa bị hạn chế. Thế nên, thực hiện tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 khiến các xã mục tiêu đạt chuẩn năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thậm chí khó khăn ngay cả với nhiều xã đã đạt khi “rà soát lại”. Đồng thời, đối với tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên một số HTX hoạt động chưa hiệu quả, việc sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế... Bên cạnh đó chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn (thuộc tiêu chí số 17 Môi trường và an toàn thực phẩm) đang là chỉ tiêu khó và là rào cản đối với quá trình xây dựng NTM. Hầu hết các xã về đích năm 2023 là xã thuộc vùng III - xã đặc biệt khó khăn (xã Minh Hương, Hùng Đức, Thành Long, huyện Hàm Yên, xã Khâu Tinh, huyện Na Hang) phần lớn nơi đây người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, nên đời sống của người dân còn khó khăn. Hiện nay, hầu hết các tiêu chí xây dựng NTM đều chưa đạt ngoài tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thì tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội cũng thấp, tiêu chí tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn khó hoàn thành.

Một số giải pháp

Để công tác giảm nghèo năm 2023 đạt mục tiêu đề ra theo tiêu chí 11 - Nghèo đa chiều trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội; Giảm nghèo bền vững trên cơ sở hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo thông qua các chương trình, chính sách cụ thể và phải đầu tư nguồn lực để họ tự vươn lên, tự họ loại trừ các nhân tố gây ra nghèo và phải được giải quyết phải bằng các giải pháp tổng hợp, cả về kinh tế và xã hội. Cụ thể như sau:

Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các cấp ủy, chính quyền, nhân dân, các tổ chức xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong các cấp, các ngành cùng nhân dân về giảm nghèo đa chiều bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội.

Tiếp tục rà soát, xác định chính xác thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nguyên nhân nghèo của từng hộ gia đình để có giải pháp phù hợp; phân công thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp theo dõi, hỗ trợ người dân để những hộ thoát nghèo không tái nghèo; vận động nhân dân tích cực tham gia các mô hình sản xuất, mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần; tăng cường giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, nâng cao thu nhập.

Phối hợp thực hiện khắc phục các chỉ số thiếu hụt như: dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, nhà tiêu hợp vệ sinh; trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; sử dụng dịch vụ viễn thông và chỉ số phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin. Thực hiện tốt công tác quản lý tách hộ, tách khẩu trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả công tác tập huấn về điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; tiếp tục tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo; quyết tâm thực hiện giảm mạnh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Các xã về đích năm 2023 phải chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể, cân đối khả năng huy động nguồn lực phù hợp cho từng giai đoạn để tập trung thực hiện các tiêu chí. Theo đó, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao. Các xã được chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế... các huyện, thành phố cũng tập trung giải quyết về cấp nước sạch, thu gom xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất...

Thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ khó, nhưng lại là những tiêu chí hàng đầu trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cùng với việc tập trung, tranh thủ, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước các huyện, thành phố cần nỗ lực, chủ động hơn nữa trong việc khai thác thế mạnh, điều kiện thuận lợi ở cơ sở và hơn hết là tích cực thay đổi tư duy, khơi dậy ý thức, nghị lực vươn lên thoát nghèo của người dân. Có như thế mới đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình tỉnh đã đề ra./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục