Xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Kim Bình

Là 01 trong 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Tuyên Quang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa luôn xác định “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” để duy trì, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng 19 tiêu chí đã đạt chuẩn, tạo nền tảng vững chắc hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Diện mạo nông thôn xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa

Để thực hiện mục tiêu đề ra, xã Kim Bình đã bám sát Nghị quyết, chủ trương của tỉnh, huyện, chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới sau khi được công nhận đạt chuẩn theo quy định. Đồng thời, đăng ký lộ trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chỉ đạo các ban ngành đoàn thể của xã chủ động phối hợp với các thôn, xóm tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án và tích cực huy động đóng góp của các HTX, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn để tạo nguồn lực thực hiện các tiêu chí nâng cao như: Giao thông, Điện, Trường học, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Thông tin và truyền thông, Nhà ở dân cư, Tổ chức sản xuất, Thu nhập, Môi trường, Hành chính công;...

Một trong những tiêu chí được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm là công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, chú trọng phát triển hạ tầng sản xuất, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và thực hiện hiệu quả các chính sách về lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh; xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ứng dụng thương mại điện tử lồng ghép với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Ngoài ra, xã cũng chú trọng công tác giảm nghèo cho người dân với các giải pháp như: Hỗ trợ vốn xoay vòng; giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ cây, con giống,... nhằm tạo điều kiện để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tiến tới làm giàu. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 5% (đã đạt tiêu chí nâng cao) và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể để hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, đảm bảo không tái nghèo.

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự, hành chính công cũng được chú trọng thực hiện, đảm bảo bám sát quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, Cảnh quan - Môi trường được xác định là tiêu chí khó thực hiện, đạt chuẩn tiêu chí môi trường có tác động tạo sức lan tỏa, xây dựng được ý thức chủ động, tích cực tham gia của từng người dân để thực hiện hiệu quả các tiêu chí khác. Do vậy, việc thường xuyên tuyên truyền và tổ chức các đợt ra quân vận động nhân dân: Chỉnh trang nhà cửa, thu gom và xử lý rác đúng nơi quy định; thực hiện mô hình cột cờ kết hợp ánh sáng an ninh trên các tuyến đường; thường xuyên duy tu, sửa chữa các tuyến đường để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân,… được đẩy mạnh triển khai thực hiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Triển khai kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Kim Bình lựa chọn thôn Khuôn Nhự để thực hiện chỉ đạo điểm gắn với mô hình “Thôn nông thôn mới sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn”. Thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân. Đồng thời, phân công đến từng tổ chức, cá nhân phụ trách từng lĩnh vực, từng nhóm hộ gia đình và thành lập “Tổ tự quản” thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường gắn với thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về: Đường giao thông, hàng rào, cổng ngõ, vệ sinh môi trường,... Trong năm 2019-2020, nhân dân thôn Khuôn Nhự đã đóng góp tiền, công lao động bê tông hóa được 475 m đường giao thông nông thôn, nâng tổng số đường thôn đã bê tông hóa của thôn đạt 99%; lắp đặt trên 3.000m đường điện chiếu sáng.

Đặc biệt, việc củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất cũng đã được kết quả đột phá, với mô hình Tổ hợp tác thanh niên trồng cây ăn quả có múi, thu hút được 15 đoàn viên tham gia, tập trung trồng chanh “Tứ thì” và trồng bưởi, với tổng diện tích là 17 ha. Xác định niềm tin của người tiêu dùng là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững nên trong quá trình sản xuất, các thành viên luôn coi trọng sản xuất sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ… nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn với sức khỏe con người, thân thiện với môi trường. Áp dụng phương pháp này tuy chi phí tăng gấp đôi nhưng đầu ra cho sản phẩm luôn rộng mở. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng các tiêu chí về kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.

Là người luôn đi tiên phong trong việc đưa các loại cây trồng mới để trồng tại địa phương. Năm 2016, ông  Hoàng Văn Điệp, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình đã tìm hiểu qua các mô hình trồng gấc và nhận thấy cây gấc cao sản rất phù hợp với điều kiện khí hậu, tự nhiên của địa phương. Thêm nữa đầu ra cũng ổn định, từ diện tích vườn 1.500 m2, ông Điệp đã phá bỏ những cây trồng già cỗi, kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây gấc cao sản. Nhờ chăm sóc tốt, vụ gấc năm 2020 gia đình ông Điệp đã thu được trên 70 triệu đồng.


Ông Hoàng Văn Điệp (bên trái) giới thiệu vườn  cây gấc cho thu nhập cao

Là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi, phù hợp với thổ nhưỡng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, từ khi trồng đến thu hoạch là 6 tháng, thời gian thu hoạch kéo dài từ một năm cho đến 2 năm, chu kỳ thu hoạch liên tục từ 10 đến 15 năm. Nhu cầu sử dụng của thị trường hiện nay đang rất lớn nên giá gấc thương phẩm luôn ở mức cao. Với giá bán gần 10 nghìn đồng trên 1kg, thương lái tới tận nơi mua. Hiện nay xã Kim Bình đã phát triển được gần 40 ha diện tích trồng gấc cao sản.

Tự hào là địa phương với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng, Kim Bình đã và đang phấn đấu đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới nâng cao và có ít nhất 02 thôn đạt chuẩn “Thôn nông thôn kiểu mẫu”. Đây là mục tiêu và cũng chính là động lực để Đảng bộ và nhân dân xã Kim Bình thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục