Xây dựng nông thôn mới: Bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một vấn đề chiến lược, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đánh giá bám sát thực tiễn, hợp lòng dân, được Nhân dân tin tưởng, phấn khởi đón nhận. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được xem như là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chương trình đã tạo ra một làn sóng mạnh mẽ, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tham gia của toàn thể nhân dân, mang lại sự chuyển biến lớn ở các khu vực nông thôn trong tỉnh.

Khu du lịch thác Bản Ba, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá

Đột phá về phát triển hạ tầng giao thông

Xác định Giao thông (tiêu chí số 2 trong Bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới) có vai trò kết nối sản xuất với tiêu thụ và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo được mối liên hệ kinh tế, phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Những năm qua, hạ tầng giao thông được tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn Km 14 QL2; khởi công xây dựng dự án Xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ…. đồng thời quy hoạch các tuyến giao thông trong tỉnh kết nối các tuyến đường tỉnh với quốc lộ và với đường cao tốc được tiến hành đồng bộ đã tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư đến với Tuyên Quang. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng đổi mới. Hoàn thành xây dựng cầu Bình Ca, cầu Tình Húc; Tỉnh cũng đã hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch liên quan hạ tầng giao thông, vận tải tạo nền tảng cho việc thu hút đầu tư vào tỉnh.

Năm 2022 toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa 321,7 km đường giao thông nông thôn: Đường xã 42,5 km; đường thôn 149,1 km; đường ngõ xóm: 20,04 km; đường nội đồng: 110,05 km; hoàn thành 38 cầu trên đường giao thông nông thôn; năm 2022 triển khai xây dựng 39 cầu. Năm 2023 dự kiến nhựa hóa, bê tông hóa 321,7 km đường giao thông nông thôn: đường huyện: 69,1 km; nâng cấp, mở rộng đường, tuyến phố đô thị: 7,0 km; đường xã 127,7 km; đường thôn 363,7 km; đường ngõ xóm: 24,1 km; đường nội đồng: 102,78 km.; xây dựng 68 công trình tường kè, 01 bến xe khách trung tâm huyện Hàm Yên, 01 Bến thuỷ huyện Lâm Bình. Tổng kinh phí: 772.110 triệu đồng.

Đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu

Cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đầu tư nhằm mục đích tạo đà cho việc phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng lợi trực tiếp cho người dân. Để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã linh hoạt trong việc lồng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả.

Trong thời gian qua, các huyện, thành phố đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động phù hợp nên đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội, phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng được hưởng ứng rất cao. Cụ thể, chỉ trong năm 2023, toàn tỉnh đã đầu tư và xây mới trên 350 hạng mục công trình bao gồm: giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học, công trình cấp nước sạch,…trong đó xây dựng 51 công trình đầu mối, kè phòng chống thiên tai, đập thủy lợi; xây dựng 62,7 km kênh mương; Xây dựng mới, nâng cấp cải tạo 21 trạm biến áp, đường dây trung áp, hạ áp, 01 hệ thống cấp điện nông thôn; Xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa 172 công trình trường học các cấp, trong đó: (Trường Mầm non 56 công trình; Trường Tiểu học 59 công trình; Trường THCS 50 công trình; Đầu tư 05 cơ sở vật chất các trường học; 01 Trường THPT thuộc tiêu chí huyện NTM; Xây dựng 01 Trung tâm Giáo dục); Nâng cấp 01 Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện; Xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 70 nhà văn hoá thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hoá gắn với sân thể thao; Xây dựng, nâng cấp 06 nhà văn hóa xã; Xây dựng, nâng cấp 08 sân thể thao xã; Hỗ trợ mua trang thiết bị 06 nhà văn hóa xã; Hỗ trợ trang thiết bị 85 nhà văn hoá thôn; Xây dựng, nâng cấp 20 sân thể thao thôn; Lắp đặt 09 dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời, khu vui chơi công cộng; Xây dựng nhà truyền thống dân tộc Pả Thẻn; Xóa 406 nhà tạm, dột nát; Xây dựng 27 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 75 nhà tắm; 157 nhà tiêu; 26 chuồng trại chăn nuôi; 553 công trình hầm bể Biogas và bể tự hoại; 1.392 bể chứa bao bì thực vật sau sử dụng; xây dựng 01 bãi chôn lấp chất thải của huyện; xây dựng 01 nhà máy xử lý chất thải; 02 công trình xử lý nước thải, chất thải sinh hoạt tập trung; Xây dựng 26 điểm thu gom rác thải, trang bị xe chở rác tại các thôn; Xây dựng 01 hạng mục xử lý nước thải cụm công nghiệp Tân Thành; Xây dựng 01 mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp; Xây dựng 01 công trình thoát nước thải khu dân cư; xây dựng 14 nghĩa trang theo quy hoạch …

Tạo đà cho nông nghiệp phát triển

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, do đó, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân luôn được ưu tiên hàng đầu. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII cũng đã chọn phát triển sản suất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2025. Do đó, ngay từ đầu giai đoạn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã tập trung triển khai xây dựng chiến lược cơ cấu để đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bằng cách lồng ghép các nguồn vốn cho phát triển sản xuất, mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, vận động bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tận dụng tối đa các nguồn lực từ các chương trình, dự án được đầu tư trên địa bàn để tập trung đầu tư phát triển sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh công tác khuyến nông. Theo đó, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao tại các địa phương trong tỉnh được hình thành. Các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa chủ lực, đặc sản cơ bản được sản xuất theo hình thức tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác); nông nghiệp được cơ cấu lại theo các trục sản phẩm, theo 04 vùng: Vùng núi cao phía Bắc (Na Hang, Lâm Bình); vùng đồi núi phía Bắc (Chiêm Hóa, Hàm Yên), vùng trung tâm (Yên Sơn, Thành phố Tuyên Quang); vùng phía Nam (Sơn Dương), phát huy lợi thế của từng vùng lựa chọn giống cây trồng phù hợp có chất lượng cao để tạo ra sản phẩm đặc trưng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao (vùng cam trên 8.000 ha, chè 8.400 ha, bưởi 5.000 ha, mía 2.200 ha...); chăn nuôi chuyển dịch mạnh sang chăn nuôi hàng hóa, mở rộng liên kết chăn nuôi trang trại, gia trại; thủy sản phát huy lợi thế nuôi cá bằng lồng trên sông, hồ thủy điện; kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quốc tế FSC trên 35 nghìn ha, đứng đầu trong cả nước.

Bên cạnh đó, Tuyên Quang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với phát triển kinh tế trang trại, gia trại và phát triển kinh tế hợp tác xã; xây dựng được 62 sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa. Hình thành trên 50 liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản như: sản xuất, chế biến chè, gỗ rừng trồng, dong giềng, mật ong, trâu thịt, cá đặc sản…. Có 24 cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, 191 sản phẩm OCOP (149 sản phẩm hạng 3 sao; 41 sản phẩm hạng 4 sao; 01 sản phẩm đề nghị trung ương nâng hạng lên 5 sao) của 134 chủ thể sản phẩm OCOP. Hiện nay, tỉnh có 3 sản phẩm (Cam Sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà) được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý; phần lớn các sản phẩm này đều được thị trường trong nước ưa chuộng và tiêu thụ, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được nhân dân toàn tỉnh đồng tình, ủng hộ; cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân tiếp tục được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. Tỉnh cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chỉnh trang nhà cửa, bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự. Hướng dẫn các xã thực hiện củng cố, duy trì và giữ vững 19/19 tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Hết năm 2022 toàn tỉnh có 62 xã hoàn thành đạt chuẩn NTM (54 xã đã có quyết định công nhận, 08 xã đang được các cấp ngành thẩm định trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận). Theo kế hoạch, năm 2023 toàn tỉnh sẽ phấn đấu có thêm 12 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 74/122 xã, có thêm 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Có thể thấy, xây dựng nông thôn mới hiện nay là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm vô cùng quan trọng của tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và của từng địa phương trong tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới là để hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện khu vực nông thôn trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, Chính trị, Văn hóa, Xã hội, An ninh Quốc phòng. Đồng thời tạo ra bước đột phá mới để tiến đến xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh cao. Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng nông thôn./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục