Thái Bình hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Thái Bình, huyện Yên Sơn đã được đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Đây cũng là xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả này cho thấy, với quyết tâm cùng giải pháp phù hợp, trong đó có việc phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, sự chung tay góp sức của người dân, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu không phải là câu chuyện khó thực hiện.

Đường vào trụ sở UBND xã Thái Bình (ảnh nguồn Internet)

Xã Thái Bình đã được các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh thẩm định, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Thái Bình, ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, điều người dân hài lòng khi thực hiện xây dựng kiểu mẫu đó là đường làng, ngõ xóm rộng rãi, xe ô tô vào tận vườn chở nông sản, người dân bán sản phẩm làm ra với giá cao. Các phong trào như: Hiến đất và đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn; trồng cây xanh cải tạo cảnh quan; dọn dẹp vệ sinh môi trường… hầu như hộ nào cũng tham gia. Tình làng nghĩa xóm cũng từ đó thêm gắn kết: “Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào, chương trình do xã, huyện phát động. Giữ gìn và liên tục làm mới các tiêu chí mà chính quyền và nhân dân đã làm được”.

Để hoàn thành mục tiêu xã đã huy động  tổng nguồn vốn là: 65.436,7 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp: 9.879,3 triệu đồng. Riêng năm 2021 vốn để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là 9.685,5 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 4.016,6 triệu đồng, vốn lồng ghép các Chương trình, dự án khác là 4.439,0 triệu đồng, nhân dân đóng góp là 1.224,9 triệu đồng. Cùng với đó, người dân trên địa bàn xã đã góp hàng nghìn ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, hệ thống lòng lề đường trong khu dân cư, xây dựng cổng chào, tường rào... Tính riêng năm 2021, toàn xã thực hiện nâng cấp 2,4 km đường trục thôn, liên thôn; 0,2 km đường nội đồng; xây mới trạm y tế xã; sửa chữa cải tạo 03 điểm trường mầm non (Vinh Quang, Bình Ca, An Lập) và nâng cấp trường tiểu học xã; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đến từng thôn.

Trên cơ sở đó xã Thái Bình đã lựa chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong lĩnh vực “Tổ chức sản xuất”. Từ việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu xã đã có những đổi thay rõ nét, trở thành “điểm sáng” của huyện và tỉnh. Là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương, làm nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về Thu nhập, Hộ nghèo. Xã Thái Bình đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: vùng trồng nhãn tập trung với trên 140 ha trong đó gần 100 ha nhãn đang cho thu hoạch, năm 2021 tổng sản lượng nhãn cho thu hoạch đạt 1.500 tấn, dự kiến tổng thu nhập khoảng 30 tỷ đồng; khuyến khích phát triển nghề nuôi ong lấy mật từ nguồn hoa nhãn dồi dào.

Sản phẩm Mật ong nhãn Bình Ca và Mật ong rừng Bình Ca của Hợp tác xã (HTX) sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Tuyên Quang đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP 3 sao, đây chính là mô hình sản xuất tiêu biểu được Thái Bình lựa chọn là mô hình điểm trong tổ chức sản xuất của xã, khuyến khích và hỗ trợ hợp tác xã trong khâu dịch vụ sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện tổng đàn ong của HTX là 1.600 đàn. Sản lượng mật ong của HTX đạt 30 đến 40 tấn/năm, mỗi năm doanh thu HTX đạt gần 4 tỷ đồng. Nguồn thu nhập từ nuôi ong giúp các thành viên làm giàu, ổn định cuộc sống. Mật ong của HTX đã vượt lũy tre làng, vươn tới thị trường miền Nam và được các thương lái thu mua để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Sự định hướng phát triển đúng đắn của Thái Bình, sự cố gắng của HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu, mật ong Bình Ca đã trở thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương trong chiến lược quảng bá sản phẩm và phát triển du lịch… Đặc biệt xã đã tận dụng ưu thế từ rừng, tạo động lực phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững. Đến nay Thái Bình có trên 1.700 ha diện tích rừng, trong đó có 100 ha rừng phòng hộ, còn lại là trên 1.600 diện tích rừng trồng, đến nay toàn xã có trên 120 ha rừng trồng giống chất lượng cao và có 397 ha đã đăng ký cấp chứng chỉ rừng FSC.... Các chương trình, dự án phát triển sản xuất có hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Thái Bình đạt 55,6 triệu đồng/người/năm 2021. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển toàn diện với 9/9 thôn được công nhận khu dân cư văn hóa, 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Tỷ lệ lao động có việc làm đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt  95,07%.

Nhằm đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân trong vấn đề bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, giai đoạn 2021 -2025”, Kế hoạch thực hiện phong trào “Thái Bình chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”trên địa bàn xã giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch “thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch năm 2021. Nội dung các Kế hoạch đã được triển khai thực hiện đồng bộ, thường xuyên, đạt kết quả cao. Ủy ban nhân dân xã đã thành lập câu lạc bộ tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gồm 30 thành viên, thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền vận động nhân dân, các cơ sở sản xuất về các hoạt động bảo vệ môi trường, nhiều giải pháp giữ gìn cảnh quan, sinh thái đã được triển khai như: Quy hoạch lại các ki-ốt bán hàng, xây dựng các biển nội quy, quy định vứt rác thải, bố trí lực lượng lao động thường xuyên làm công tác vệ sinh đảm bảo cảnh quan môi trường tại các thôn, quy hoạch điểm bán sản phẩm đặc sản thịt dê, mật ong, nhãn… Các thôn đã tổ chức phát động và duy trì phong trào vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường trục chính. Để thu gom rác thải, xã Thái Bình đã hợp đồng với (Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang), thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cơ quan, trường học trên địa bàn xã. Đến nay đã thu gom rác thải tại 08/12 thôn, rác thải sau khi thu gom được vận chuyển đến xử lý tại Bãi rác xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn.

Thái Bình hôm nay, 100% số thôn đã có nhà văn hóa; nhà ở của nhân dân khang trang hiện đại; hệ thống cây xanh được chú trọng phát triển; công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, quản lý, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được thực hiện nghiêm túc. Xã thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đến đối tượng thụ hưởng. Tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt trên 97%. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được phát động sâu rộng và phát huy hiệu quả. Các thôn đều có bãi tập kết rác thải sinh hoạt để vận chuyển về khu xử lý tập trung; tỷ lệ thu gom rác thải đạt 100%; 100% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được quan tâm và giữ vững.

Tuyên Quang với những làng quê khang trang, yên bình, thật sự là không gian xanh, là nơi đáng sống - nơi người dân được thụ hưởng để cùng tạo dựng những giá trị mới trong đời sống văn hóa - xã hội. Năm 2022 Tuyên Quang tiếp tục phấn đấu có thêm 02 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu đến hết 2025 Tuyên Quang sẽ có 10 xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục