Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh: Làm giàu từ cây chè

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường có nhiều biến động như hiện nay, việc các Hợp tác xã (HTX) có nhiều thay đổi về phương thức sản xuất, kết nối thị trườngđể tồn tại và tăng doanh thu, hiệu quả hoạt động là điều hết sức cần thiết. Với đặc thù sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, các HTX nông, lâm nghiệp chính là “cánh tay nối dài” giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp.Đây cũng là những điều kiện “cần” để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới.

Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh được thành lập năm 2017 với 7 thành viên tham gia. Ban đầu vốn điều lệ của HTX là 1,5 tỷ đồng do các thành viên trong HTX đóng góp để hoạt động. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết chuỗi giá trị từ khâu thu mua bao tiêu nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các tổ chức đơn vị trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậyHTX luôn giữ vững nhịp độ phát triển ổn định, chất lượng hoạt động được nâng cao, nhất là trong lĩnh vực thương mại bán lẻ. HTX đã tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8-9 triệu đồng trên người/tháng.Tổng doanh thu bán hàng năm 2021 được trên 4,5 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn góp của thành viên hàng năm tăng cao.

Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh hoạt động với mục tiêu xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất các sản phẩm chè đặc sản, chất lượng cao mang nhãn hiệu “Ngọc Thúy Trà”. Sản phẩm chè của HTXthuộc dòng sản phẩm đặc sản chất lượng cao, đã tiếp cận được với thị trường trong tỉnh và các thị trường lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng… được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá rất cao.Định hướng phát triển của Hợp tác xã sẽ tiếp tục xác định sản phẩm chủ lực là chè đặc sản và chè chất lượng cao, bên cạnh sản phẩm chè đặc sản Ngọc Thúy, HTX sẽ phát triển thêm sản phẩm chè chất lượng cao từ giống chè LDP1 với vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP.Đặt ra yêu cầu cần thiết phải tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ trong sản xuất, chế biến, đăng ký nhãn hiệu và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với mở rộng vùng nguyên liệu, đó là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, quyết định. Từ đó sẽ góp phần ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm chè đặc sản, chè chất lượng cao, từng bước nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên HTX, các hộ gia đình tham gia liên kết sản xuất.

Sản phẩm chè của HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh là một trong 75 sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang được đưa lên sàn thương mại điện tử năm 2021 (Nguồn ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Thời gian qua, HTX đã phát triển được 13,26 ha chè Ngọc Thúy, trong đó có 6,5 ha là diện tích của thành viên HTX(đã có 5ha chè được chứng nhận VietGAP), 6,76 ha còn lại HTX liên kết với các bà con nông dân trên địa bàn huyện Yên Sơn, Sơn Dương.Toàn bộ diện tích chè đang cho thu hoạch của HTX có độ tuổi từ 10 đến 15 năm, cho năng suất và chất lượng khá ổn định, năng suất hiện tại đạt trung bình từ 45 tạ/ha/năm, tuy vậy vẫn cần thiết phải đầu tư. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư thâm canh, HTX đã xây dựng được 01 nhà xưởng chế biến chè với diện tích 250m2, máy móc và công trình phụ trợ phục vụ sản xuất đầy đủ. Công suất chế biến từ 500-600 kg chè búp tươi/ngày.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, năm 2019, từ nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ phát triển sản xuất, HTX đã được hỗ trợ gần 3,0 tỷ đồng để thực hiện dự án phát triển sản xuất sản phẩm chè liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm (quy mô liên huyện) nhằm tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần đa dạng hóa sản phẩm chè đặc sản, chè chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.Đồng thời, HTX luôn nắm vững, làm chủ quy trình công nghệ và các thông số kỹ thuật theo phương thức truyền thống kết hợp với công thức chế biến riêng tạo nên hương vị đặc trưng và sử dụng các máy móc thiết bị hiện đại trong một số khâu để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Tất cả các quy trình chế biến chè đều phải tuân thủ quy định rõ ràng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tạo nên sự ổn định chất lượng sản phẩm. Sản phẩm chè đặc sản chất lượng cao “Ngọc Thúy Trà” được đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ. Qua việc triển khai thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất, tình hình sản xuất của HTX có bước chuyển mạnh mẽ về hình thức tổ chức sản xuất, khai thác được lợi thế về tiềm năng đất đai, sức lao động ở nông thôn, nâng cao doanh thu cho HTX, tạo ra sản phẩm có giá trị cao theo chuỗi liên kết và có 07 sản phẩm chè được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh, trong đó có 03 sản phẩm đạt 3 sao và 04 sản phẩm đạt 4 sao.

Qua hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX nhận thấy việc thực thực hiện hiệu quả, bền vững tiêu chí về tổ chức sản xuất trong Chương trình xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng trong hoạt động của HTX, HTX đã nhận thức rõ công tác tuyên truyền, vận động là hoạt động thúc đẩy cho việc tổ chức sản xuất được lâu dài, bền vững.Để tiếp tục hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập hơn nữa cho các thành viên và đảm bảo thực hiện hiệu quảtiêu chí tổ chức sản xuất, trong thời gian tới HTX sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững, đồng thời hoàn thiện hồ sơ sản phẩm để đăng ký ít nhất 01 sản phẩm chè của HTX tham gia dự thi nâng hạng lên sản phẩm OCOP 5 sao./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục