Yên Nguyên chủ động xây dựng nông thôn mới nâng cao

Năm 2015, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”. Sau 07 năm được công nhận, cấp ủy chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã tiếp tục chung sức, đồng lòng trung mọi nguồn lực, phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, quyết tâm quy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới (NTM), phấn đấu đến hết năm 2022 đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”.

Mô hình nuôi cá lồng đặc sản ở xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, ngay sau khi có chủ trương xây dựng nông thôn trong giai đoạn mới, Yên Nguyên đã đăng ký phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn NTM nâng cao và trở thành một trong 05 xã đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2022 của tỉnh Tuyên Quang.

Hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xã Yên Nguyên đã tập trung vào phát triển các mô hình sản xuất có lợi thế của địa phương. Nhằm khai thác hiệu quả diện tích mặt nước sông Lô chảy qua địa bàn, trong những năm qua UBND xã Yên Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng đặc sản, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Qua đó đã góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.

Với diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản trên 15 ha và hơn 3km sông, suối chảy qua địa bàn xã, nhân dân đã tận dụng lợi thế này để nuôi trồng thuỷ sản và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi đến thăm hộ gia đình ông Trần Văn Thân ở thôn Hợp Long 2 chúng tôi khá bất ngờ với mô hình phát triển kinh tế nuôi cá lồng của gia đình ông. Với 3 lồng nuôi cá Chiên, mỗi lồng nuôi gần 500 con, giá bán buôn từ 450.000 đồng đến 500.000 đồng/kg, mỗi vụ sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về trên 50 triệu đồng. Ngoài ra ông Thân cũng là tổ trưởng tổ tự quản nuôi trồng và khai thác thủy sản trong thôn với 30 hộ gia đình tham gia. Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi thủy sản Yên Nguyên được thành lập năm 2019 với ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ chính là chăn nuôi cá đặc sản và thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, HTX có 11 thành viên, thực hiện nuôi hơn 60 lồng cá dọc theo bờ sông Lô thuộc thôn Hợp Long 2, giống cá chủ yếu là: cá Chiên, Bỗng, Quất, Lăng chấm. Qua đó, đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. Đến nay cá đặc sản Yên Nguyên đã có 03 sản phẩm: cá Bỗng, cá Quất và cá Chiên được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. 

Mô hình liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng được Yên Nguyên quan tâm, chú trọng. Năm 2021, người dân trong xã liên kết sản xuất một số loại cây trồng, trong đó có 18 ha dưa chuột liên kết với HTX nông lâm nghiệp Yên Nguyên và 80 ha cây ngô sinh khối liên kết với HTX Nông nghiệp Minh Hoàng, huyện Chiêm Hóa. Với mô hình trồng dưa chuột có giá bán  9.000 đồng/kg so với nhiều loại cây trồng khác thì đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ổn định hơn cho người dân nơi đây. Để sản phẩm có đầu ra ổn định, HTX Nông lâm nghiệp Yên Nguyên đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện HTX Nông lâm nghiệp Yên Nguyên có 27 thành viên và 30 lao động thường xuyên; doanh thu HTX đạt 1.500 triệu đồng/năm, lợi nhuận sau thuế đạt 350 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân thành viên và người lao động hơn 5,1 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra HTX Nông lâm nghiệp Yên Nguyên còn liên kết với một doanh nghiệp ở Phú Thọ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt vụ đông cho người dân với diện tích 4 ha và ký hợp đồng với Trang trại bò sữa Tuyên Quang thu mua 150 ha ngô làm thức ăn gia súc. Việc liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người nông dân được HTX thực hiện từ nhiều năm nay. Trong đó, ngoài việc cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân, một điểm mấu chốt trong hợp đồng tiêu thụ giữa HTX với doanh nghiệp là khi giá thị trường tăng, doanh nghiệp cũng phải tăng giá thu mua để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, tránh tình trạng người nông dân phá vỡ hợp đồng khi giá thị trường cao hơn.

Ngoài liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con, cấp ủy chính quyền xã Yên Nguyên còn chú trọng đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ mới vào phát triển chăn nuôi đàn trâu của xã như: Công nghệ sinh học, công nghệ chẩn đoán phòng trừ dịch bệnh; công nghệ chế biến bảo quản, công nghệ xử lý môi trường; áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, thực hành nông nghiệp tốt, để phát triển chăn nuôi trâu đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường; sử dụng có hiệu quả các nguồn thức ăn sẵn có của địa phương, đồng thời chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho chăn nuôi trâu… Thời gian qua, xã Yên Nguyên là một trong những xã đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu”. Chăn nuôi trâu không chỉ để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cung cấp trâu giống, trâu thương phẩm, làm giàu từ nghề này.

Thông qua việc đẩy mạnh phát triển sản xuất cho người dân,  năm 2021 thu nhập bình quân của Yên Nguyên đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm; tổng sản lượng lương thực đạt 101% kế hoạch; tổng đàn gia súc, gia cầm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; duy trì hiệu quả nuôi trồng thủy sản; giải quyết việc làm mới cho người lao động đạt 120% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 là 2,26%, đạt 250% kế hoạch. Kinh tế - xã hội trên địa bàn xã phát triển, an ninh trật tự đảm bảo, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục hoàn thiện.

Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, xác định môi trường là một tiêu chí quan trọng trong việc duy trì, giữ vững và nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Do vậy, để đảm bảo giữ vững tiêu chí này, xã Yên Nguyên đã xây dựng các lò xử lý rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ, phù hợp với vùng nông thôn, tạo ý thức, thói quen phân loại và xử lý rác tại chỗ cho người dân. Bên cạnh đó, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng là vấn đề được chính quyền, đảng bộ xã Yên Nguyên đặc biệt quan tâm, đặc biệt trên địa bàn xã có Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã thu hút một lượng khách du lịch rất lớn đến thăm và vãn cảnh chùa. Tại đây có tấm bia đá đã được công nhận là Bảo vật quốc gia và cũng là là bảo vật quốc gia duy nhất tại tỉnh Tuyên Quang,  giúp người dân hiểu rõ và tự hào hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương cũng như bài học đại đoàn kết dân tộc đã tạo thành sức mạnh chiến thắng giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Đây chính là nét riêng, độc đáo, ấn tượng riêng có của Yên Nguyên trong việc khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch địa phương.    

Để phấn đấu đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao” đảm bảo theo đúng lộ trình kế hoạch, xã Yên Nguyên đã đề xuất với huyện, tỉnh đầu tư xây dựng cổng chào thôn Yên Quang; cầu tràn tại các thôn Cầu Mạ, Nhân Thọ 1, Khuôn Khoai; tuyến đường liên xã từ thôn Làng Mòi (Yên Nguyên) đến thôn Đồng Mãn (Lực Hành - Yên Sơn) và tuyến đường từ thôn Khuôn Khoai (Yên Nguyên) đến thôn Đèo Ảng (Bình Xa - Hàm Yên); xây dựng các phòng chức năng Nhà văn hóa xã; sửa chữa nâng cấp 04 Nhà văn hóa thôn; đầu tư hệ thống cấp thoát nước, hè đường, điện chiếu sáng, cây xanh tại khu vực trung tâm xã nhằm cơ bản đạt các tiêu chí về hạ tầng đạt đô thị loại 5. Với những kết quả đạt được, tin tưởng rằng sẽ là nền tảng vững chắc để Yên Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2022./. 

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục