Yên Phú xây dựng nông thôn mới

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức bủa vây bởi đại dịch Covid-19, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tại xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang vẫn giữ được tiến độ triển khai. Bằng sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, đến nay xã Yên Phú đã hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM.


Thu hoạch táo (Ảnh nguồn Internet)

Xã Yên Phú phấn đấu đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2022. Hiện nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,1%; có 3 HTX hoạt động theo luật; tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động đạt 92%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%...Hiện xã còn 4 tiêu chí chưa đạt là: Giao thông, Môi trường và an toàn thực phẩm, Cơ sở vật chất nhà văn hoá, Nhà ở dân cư.

Xác định nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là trọng tâm. Cấp uỷ, chính quyền xã đã khuyến khích người dân mạnh dạn triển khai nhiều mô hình kinh doanh, sản xuất như: Mô hình trồng dưa công nghệ cao trong nhà lưới, mô hình giếng nước sạch cho đồng bào dân tộc Mông, mô hình trải nghiệm vườn cam, chăn nuôi lợn, dê…Tăng cường phát triển kinh tế hộ, tập trung phát triển các sản phẩm nông sản đặc hữu gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Xã Yên Phú với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng, có điều kiện để phát triển các loại cây ăn quả đặc sản. Bên cạnh cây hồng, cây cam thì giờ đây trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã có thêm cây táo, một loại cây ăn quả đặc sản đã và đang được nhiều nông dân lựa chọn. Thực tế cho thấy, nông dân trồng táo ở Yên Phú đã có được nguồn thu nhập vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Đến nay cây táo đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân trên địa bàn xã Yên Phú nói riêng, đặc biệt những năm qua, người dân ở đây đã chăm sóc táo theo tiêu chuẩn VietGap mang lại hiệu quả kinh tế cao nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng nhờ vào việc trồng táo.

Thanh Long ruột đỏ Yên Phú (ảnh nguồn Internet)

Ngoài cây táo thì thanh long ruột đỏ cũng trở thành cây giảm nghèo cho người dân, thanh long ruột đỏ ở đây quả không to như thanh long miền Nam nhưng ngọt đậm hơn, cứng quả hơn. Được trồng tập trung, chất lượng ngon, mẫu mã đẹp nên Yên Phú được coi là “thủ phủ” thanh long ruột đỏ của Tuyên Quang. Dân Yên Phú lại trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm an toàn nên khách hàng ở khắp nơi đổ về mua. Ông Vũ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết, cây thanh long ruột đỏ đem lại doanh thu khoảng 15 tỷ đồng/năm, giúp hàng trăm hộ dân có cuộc sống khá. UBND xã Yên Phú xác định cây thanh long là cây chủ lực, theo hướng bền vững, đưa loại quả này vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. UBND xã đã tổ chức tập nhiều buổi huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long theo hướng VietGAP, định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, khuyến khích các hộ trồng nhiều xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm gắn sản xuất nông nghiệp.

Phật thủ cũng là loại cây trồng được nhiều hộ gia đình ở Yên Phú, Hàm Yên, lựa chọn để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Vài năm trở lại đây, nhận thấy giá trị kinh tế của cây phật thủ nên người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất ruộng sang trồng giống cây này. Tính đến nay, toàn xã có hơn 100 hộ trồng phật thủ. Thu nhập từ phật thủ cao gấp nhiều lần trồng lúa và cây hoa màu khác. Phật thủ ngoài làm cảnh, thờ cúng còn có tác dụng làm dược liệu nên thương lái đến mua khá nhiều với giá từ 35 - 40 nghìn đồng/1 kg. Toàn xã Yên Phú hiện có hơn 30 ha phật thủ. Chính quyền xã Yên Phú cũng như các cơ quan chuyên môn đã triển khai nhiều biện pháp, đem lại giá trị bền vững từ cây phật thủ cho người dân, tránh tình trạng đua nhau trồng, dẫn đến không có thị trường như một số sản phẩm nông nghiệp khác.

Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng chính quyền xã Yên Phú còn khuyến khích, hỗ trợ thành lập các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển một số sản phẩm chủ lực ở địa phương. Tiêu biểu như HTX Táo Động Tiên Yên được thành lập gồm 19 thành viên tham gia, sản xuất, kinh doanh chủ yếu là chế biến và tiêu thụ sản phẩm Táo và kinh doanh một số mặt hàng nông sản, vật tư nông nghiệp. Táo Động Tiên là một sản phẩm chủ lực của xã Yên Phú, với giá bán lẻ tại địa bàn trên 25.000 nghìn đồng/kg. Hiện xã Yên Phú có trên 150 hộ trồng Táo. Hằng năm cung cấp ra thị trường trên 90 tấn táo.

Xác định môi trường là một trong những tiêu chí khó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Yên Phú đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân trên địa bàn xã thường xuyên vệ sinh nhà ở, đường làng ngõ xóm, chủ động phân loại thu gom rác thải để đúng nơi quy định, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, thành lập các tổ thu gom, phân loại rác. Đến nay tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt 100%, 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đều ký cam kết bảo vệ môi trường, xã cũng đã phát động phong trào “Yên Phú chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; 100% các thôn đều thành lập các đội văn nghệ, đội bóng chuyền hơi và thường xuyên duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao…Công tác tuyên truyền, vận động ở xã Yên Phú, Hàm Yên đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Đầu tiên là công trình “Thắp sáng đường quê” ở thôn 2 Thống Nhất do Đoàn Thanh niên xã thực hiện với nguồn kinh phí xã hội hóa trên 11 triệu đồng xây dựng được 25 cột đèn chiếu sáng. Đến nay phong trào “Thắp sáng đường quê” đã nhanh chóng lan tỏa đến các thôn 1B Thống Nhất, thôn 3 Thống Nhất, Làng Chiềng, thôn 5 Thống Nhất... Hiện đã lan tỏa đến hàng chục thôn với tổng số 400 cột đèn, với tổng chiều dài hơn 10 km.

Phát triển kinh tế nâng  cao đời sống vật chất của nhân dân không quên xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần, xã Yên Phú đã tích cực tuyên truyền, quảng bá “Lễ  hội Động Tiên” được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh, nhà nhà ấm no, hạnh phúc, lễ hội còn là nơi cầu duyên (gắn với truyền thuyết về sự tích Động Tiên, trong đó, phải kể đến là truyền thuyết về nàng tiên thứ bảy đem lòng yêu thương chàng trai mồ côi nghèo nơi hạ giới…), gái trai đi hội cầu cho mối tình nên duyên vợ chồng. Động Tiên (thuộc thôn Thống Nhất 2, xã Yên Phú) là quần thể hang động thiên tạo, cảnh quan hấp dẫn, vẻ đẹp hoang sơ thơ mộng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là danh lam thắng cảnh quốc gia và là nơi ghi dấu sự trưởng thành của quân đội ta và những đóng góp của nhân dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược...Lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian: thi đấu bóng chuyền, đánh cờ người, bịt mắt bắt dê hoặc bịt mắt bắt vịt, đánh quay, kéo co, leo núi, thi vẽ tranh Động Tiên, thi múa khèn Mông, thi trâu khỏe trâu tốt, đặc biệt, độc đáo nhất là chọi dê. Đến nay “Lễ hội Động Tiên” đã thực sự góp phần xây dựng phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc xã Yên Phú, huyện Hàm Yên nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Xã Yên Phú tiếp tục nỗ lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2022 theo đúng lộ trình đồng thời hướng tới NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong thời gian tới./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục