Tuyên Quang: Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Để hiện thực hóa các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các DTTS, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm, thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc nhằm giúp đồng bào các DTTS từng bước ổn định cuộc sống.

 Người dân Pà Thẻn ở thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) được hỗ trợ vốn từ Chương trình 135 để phát triển sản xuất. (Ảnh tư liệu)

Hùng Lợi là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) có 47% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm qua, chính quyền các cấp luôn quan tâm thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.

Ông Sùng Văn Tây, Trưởng thôn Yểng cho biết: Những năm trước, muốn vào thôn phải đi qua nhiều suối, mỗi khi trời mưa là biệt lập với bên ngoài, kinh tế không phát triển vì thiếu vốn, thiếu khoa học - kỹ thuật. Nhưng từ khi thôn có được con đường bê tông, việc đi lại trở nên dễ dàng; bên cạnh đó, bà con được tập huấn kỹ thuật nuôi ong lấy mật, hỗ trợ cây giống… nên đời sống đồng bào phát triển rõ rệt, từng bước thoát nghèo hiệu quả. Hiện toàn thôn có 90 hộ, trong đó có 23 hộ nghèo.

Theo ông Linh Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi, từ nguồn vốn Chương trình 135; Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt theo Quyết định 2085; Chương trình vay vốn phát triển sản xuất... đã góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từng bước ổn định đời sống người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 68,9% năm 2016 xuống còn 29,9% vào đầu năm 2020.

Tại huyện Chiêm Hóa, trong giai đoạn 2014 - 2019, huyện được bố trí trên 130 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Theo đó, huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng công trình cho các xã, thôn ĐBKK với 218 công trình, như: Công trình giao thông, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học, công trình điện, công trình cấp nước sinh hoạt, công trình y tế...; hỗ trợ phát triển sản xuất cho trên 5.000 lượt hộ DTTS, gồm các loại giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ mua máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, máy phun thuốc trừ sâu, máy cắt cỏ... Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn tại vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 21,12%. Toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt 16 tiêu chí; 16 xã đạt 10 - 14 tiêu chí.

Có thể thấy, từ việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào DTTS ở Tuyên Quang đang ngày càng được nâng lên. Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, đến nay, 100% xã, trên 99% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; 98% số hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 86% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,38%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn 25,05%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,2 triệu đồng/năm.

Ông Hoàng Văn Hảo, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang khẳng định, hiệu quả từ việc đưa các chương trình, dự án, chính sách dân tộc vào cuộc sống đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào DTTS.

Bài, ảnh: PV/Baodantoc.vn

Tin cùng chuyên mục