Phát huy vai trò Hội nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” gắn với xây dựng nông thôn mới được Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang chú trọng triển khai sâu rộng nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao. Với nhiều giải pháp tiếp cận nguồn vốn vay, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh... tạo điều kiện cho hội viên, nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương

Mô hình trồng chanh tại xã Đội Cấn

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân tỉnh đã phát động mạnh mẽ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau và giảm nghèo bền vững đến 100% chi hội trên địa bàn với nhiều nội dung phong phú, thiết thực. Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, các lớp tập huấn, Hội đều lồng ghép tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát huy vai trò chủ thể, chung tay xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhiều cán bộ, hội viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Để thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hằng năm Hội Nông dân đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp; vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực tế của hộ gia đình. Hội Nông dân tỉnh còn làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với hội viên, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng có hiệu quả các mô hình sản xuất, chăn nuôi...06 tháng đầu năm đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân 113,22 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ là 762,37 tỷ đồng, cho 18.371 hộ vay tại 593 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn; phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì, thành lập và cho vay qua 750 tổ liên kết với 17.801 thành viên, dư nợ 1.396,18 tỷ đồng. Qua thực hiện phong trào xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi như: Mô hình trồng Chanh của hội viên nông dân Khổng Văn Nam xã Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang với doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho thường xuyên cho 10-12 lao động; Mô hình chăn nuôi lợn của hội viên nông dân Nguyễn Văn Sáng, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương với doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho thường xuyên cho 10-12 lao động; mô hình trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, nuôi gà thịt, nuôi gà ấp trứng, dịch vụ chế biến chè tươi và kinh doanh dịch vụ hộ ông Hoàng Việt Cương, hội viên nông dân thôn Ngòi, xã Mỹ Bằng thu nhập 1,7 tỷ đồng/năm...Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí về thu nhập và tiêu chí  hộ nghèo.

Các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; chủ động đăng ký tham gia thực hiện một số tiêu chí phù hợp với chức năng của Hội như: Xây dựng thiết chế văn hóa, thu gom xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục quản lý có hiệu quả các chương trình “Vay bò trả bê” theo các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức luân chuyển được 85 con bò cho 85 hộ, đến nay có 4.422 hộ hưởng lợi từ các chương trình bò.Tham gia thực hiện Dự án "Ứng dụng công nghệ phát triển bò thịt chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở miền núi phía Bắc”, xây dựng phần mềm quản lý và số hóa đàn bò nhằm quản lý gắn với truy xuất nguồn gốc, nhân giống, phát triển chuỗi giá trị bò Mông ở tỉnh Tuyên Quang. Hiện Hội Nông dân tỉnh đang tổ chức lựa chọn nhà thầu mua 40 con bò cái giống (giống bò H’Mông) để hỗ trợ các hộ dân tại xã Sinh Long và xã Hồng Thái, huyện Na Hang.


Niềm vui được nhận bò giống của người dân xã Kim Quan

Xác định rõ vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 06 tháng đầu năm 2021 hội nông dân các cấp phát động phong trào thi đua thông qua thực hiện các công trình, phần việc mang tên hội nông dân. Theo đó, phát hiện những mô hình, gương điển hình tiêu biểu, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác xây dựng tổ chức hội và các phong trào của hội; tuyên truyền, vận động hội viên đóng góp 13.378 ngày công lao động vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nạo vét tu sửa 174,2 km kênh mương, làm mới 7,2 km đường giao thông nông thôn, tham gia xây dựng 10 nhà văn hóa; Vận động xây dựng 26 hầm bể Biogas (huyện Hàm Yên 6 hầm, huyện Chiêm Hóa 20 hầm và 548 công trình vệ sinh,  chuồng trại chăn nuôi). Đề xuất Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đầu tư thực hiện 01 mô hình về bảo vệ môi trường tại xã Lực Hành, huyện Yên Sơn với giá trị 150 triệu đồng; huyện Yên Sơn đã vận động hội viên và nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng và trồng cây xanh tại Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, khánh thành đưa vào sử dụng trong tháng 5 năm 2021; các cấp hội còn vận động nhân dân hiến trên 3.000 m2 đất, đóng góp trên 400 triệu đồng thuê máy móc, mua vật liệu để làm đường bê tông nông thôn, đường bê tông nội đồng...

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Qua đó góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2021./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục