Tuyên Quang “gỡ khó” trong xây dựng vườn mẫu NTM

KTNT Kinh tế vườn mang lại giá trị cao nếu được quy hoạch và phát triển phù hợp. Trên cơ sở đó, Tuyên Quang đã có chính sách hỗ trợ người dân xây dựng vườn mẫu nông thôn mới (NTM) nhằm không chỉ nâng giá trị kinh tế mà còn “biến” khu vườn thành nơi đáng sống.

Xây dựng thành công vườn mẫu NTM không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn mang lại giá trị rất lớn về môi trường, cảnh quan làng quê Việt.

Nhà vườn có thu nhập cao

Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng vườn mẫu NTM, Tuyên Quang đã đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Nhiều mô hình vườn mẫu đã phát huy hiệu quả kinh tế.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Đình Cư, ở thôn 3, xã Tân Tiến (Yên Sơn), ai cũng  trầm trồ khen ngợi bởi khu vườn được quy hoạch bài bản, thành các khu trồng cây ăn quả, trồng cây cảnh, trồng rừng, chăn nuôi, bao quanh là hàng cau tạo nên không gian thơ mộng của làng quê Việt Nam trù phú với môi trường trong lành, đáng sống.

Anh Cư cho biết, gia đình có khu vườn trên 3,8ha, được quy hoạch thành khu trồng 100 gốc hồng không hạt kết hợp với nuôi 120 đàn ong mật; 12ha rừng keo; khu nuôi 9 con bò sinh sản. Xung quanh trồng 200 cây cau lấy quả, thương lái về đặt mua từ lúc cau mới trổ buồng. Tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tiêu thụ nông sản gặp khó nhưng thu nhập từ kinh tế vườn của gia đình vẫn đạt trên 300 triệu đồng năm 2020.

Cũng theo anh Cư, phải mất 10 năm gia đình mới hình thành được khu vườn như hiện nay. Khi xã xây dựng NTM, gia đình anh được hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng vườn mẫu. Do vậy, anh đã quy hoạch lại ngăn nắp hơn, giờ đây nhìn khu vườn thơ mộng càng giúp anh có thêm động lực để làm giàu từ chính khu vườn nhà mình.

Với gần 3.000 gốc cam cho thu hoạch gần 100 tấn quả mỗi vụ, hơn 1,5ha rừng sản xuất, mỗi năm gia đình ông Nông Văn Thủy, thôn Bản Ban, Phù Lưu (Hàm Yên) thu về trên 1 tỷ đồng. Ông Thủy cho biết, để vườn cam mang lại giá trị, tiêu chí hàng đầu là bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Cùng với đó, quan tâm đến cảnh quan môi trường để đảm bảo sức khỏe cho chính mình. Vì vậy, cam của gia đình luôn được giá, dẫu thị trường có bị rớt giá.

Ông Nguyễn Công Nông, Chủ tịch Hội Làm Vườn (HLV) tỉnh Tuyên Quang cho biết: Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, nhất là tiêu thụ nông sản, Hội đã đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội trong trao đổi công việc, tập huấn, chuyển giao tiến bộ  kỹ thuật; vận động hội viên tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch Covdi-19, tham gia ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19.

“Hai năm qua, Hội vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng vườn mẫu NTM. Thông qua xây dựng vườn mẫu NTM sẽ nâng cao được hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường. Tạo môi trường sạch, không gian đáng sống. Đặc biệt, xây dựng vườn mẫu gắn với xây dựng sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) thì rất tốt”, ông Nông nói.

Còn nhiều khó khăn

Ngày 11/3/2019, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định về Bộ tiêu chí vườn mẫu NTM trên địa bàn đến năm 2020. Sau hơn 2 năm thực,chưa có vườn nào đạt được 5 tiêu chí vườn mẫu (Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn; môi trường cảnh quan; thu nhập).

Về vấn đề này, ông Trần Gia Lam, Trưởng phòng Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang), cho biết, xây dựng vườn mẫu NTM là phát triển kinh tế vườn với không gian và cảnh quan đẹp, tạo ra giá trị kinh tế cao nhưng phải đảm bảo môi trường. Mục tiêu lớn hơn là thay đổi tư duy sản xuất manh mún của nông hộ, hướng đến giá trị kinh tế phát triển bền vững.

“Sau hơn 2 năm triển khai, các hộ được chọn xây dựng vườn mẫu NTM theo các tiêu chí trên vẫn chưa đạt. Nguyên nhân, vườn mẫu NTM phải có một quá trình phát triển bài bản, lâu dài; đồng thời, nông hộ cũng cần có nguồn kinh phí để xây dựng cảnh quan đẹp, bố trí lại sản xuất. Hơn nữa, cũng chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ cho những nông hộ thực hiện mô hình”, ông Lam nói.


Từ kinh tế vườn kết hợp nuôi ong, gia đình anh Cư có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Như vườn của gia đình anh Nguyễn Đình Cư, dẫu rất thơ mộng và có giá trị nhưng hiện mới đạt 4/5 tiêu chí vườn mẫu NTM, hiện còn tiêu chí quy hoạch chưa đạt vì trước đây gia đình phát triển các khu vực sản xuất theo yêu cầu thực tiễn chứ không quan tâm nhiều đến các yếu tố khác. 

Hay mô hình nuôi lươn không bùn của anh Lý Huy Hà (thôn 3, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn), nếu nhân rộng được sẽ là hướng phát triển kinh tế của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, việc xây dựng vườn mẫu NTM đối với gia đình còn nhiều khó khăn vì vườn của anh mới chỉ có diện tích đạt tiêu chuẩn trên 1.000m2 và sản phẩm là từ nuôi lươn không bùn.

Anh Hà tâm sự: Gia đình được hỗ trợ 10 triệu đồng để xây dựng vườn mẫu. Đây là động lực để tôi nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế hộ tại chính khu vườn của mình. Tuy nhiên, nếu được vay vốn để mở rộng sản xuất, bố trí lại không gian, cảnh quan vườn… thì việc xây dựng vườn mẫu của gia đình sẽ thuận lợi hơn.

Tìm cách tháo gỡ

Để tháo gỡ khó khăn trong xây dựng vườn mẫu, huyện Yên Sơn đã có chính sách hỗ trợ cho hộ dân tham gia. Cụ thể, huyện hỗ trợ 10 hộ ở xã Tân Tiến xây dựng vườn mẫu trong năm 2021. Đồng thời, tiến hành hướng dẫn 12 hộ dân ở các xã quy hoạch lại quy mô vườn để đạt vườn mẫu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Đối với tiêu chí quy hoạch chưa vườn nào đạt, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang thực hiện giúp người dân đo vẽ mà không thu kinh phí, với các tiêu chí còn lại, phòng cử cán bộ hướng dẫn và vận động người dân chủ động làm.

Tại Hàm Yên, huyện đang tiến hành lựa chọn vườn mẫu NTM. Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết, huyện có nhiều mô hình vườn đạt hiệu quả kinh tế từ 300-500 triệu đồng/năm, song so với 5 tiêu chí vườn mẫu thì chưa đáp ứng đủ. Trước mắt, phòng hỗ trợ người dân làm quy hoạch; tham mưu cho huyện xây dựng phương án lựa chọn làm vườn mẫu kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ thêm người dân trang trí lại vườn. Huyện phấn đấu trong năm 2021 có 3 vườn đạt tiêu chí vườn mẫu NTM ở 3 xã Yên Phú, Đức Ninh, Phù Lưu.

Theo ông Nguyễn Công Nông, Chủ tịch HLV tỉnh Tuyên Quang, để xây dựng thành công vườn mẫu NTM dựa vào điều kiện lợi thế, vườn đó, khu vực đó, địa phương đó lợi thế là gì? Cùng với đó, phải có đơn vị tư vấn giúp nhà vườn, hỗ trợ cách làm, kỹ thuật, hỗ trợ giống mới. Đặc biệt, từ vườn mẫu phát triển thành nông nghiệp tuần hoàn (Mô hình tuần hoàn VAC-B), từ đó nhân rộng thành phong trào.

Năm 2021, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu có 21 vườn được công nhận vườn mẫu NTM. Để đạt được 5 tiêu chí vườn NTM, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Tuyên Quang đang tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các địa phương hỗ trợ các chủ vườn hoàn thiện thủ tục về quy hoạch, thực hiện quy hoạch, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm vườn.

Nghề làm vườn có từ bao đời nay, nhưng trong quá trình phát triển vẫn mang tính tự phát, chưa được quy hoạch bài bản nên chưa phát huy hiệu quả. Do đó, xây dựng vườn mẫu NTM là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn. Xây dựng thành công vườn mẫu NTM không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, giúp người dân vươn lên làm giàu mà còn “biến”  khu vườn đó, làng quê đó trở nên văn minh, hiện đại, mang lại giá trị rất lớn về tinh thần.

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Bài, ảnh: Hoàng Văn/kinhtenongthon.vn

Tin cùng chuyên mục