Nói dân nghe làm dân tin

- Công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng và không dễ dàng của Đảng. Dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn hơn nhiều. Giai đoạn 2016 - 2021, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả, tạo sự đồng thuận cao và niềm tin vững chắc của đồng bào dân tộc thiểu số vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. “Lấy dân làm gốc”, những cán bộ làm công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã nói dân nghe, làm dân tin.

Đồng chí Triệu Văn Xanh (giữa ảnh), Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngòi Lộc, xã Minh Khương (Hàm Yên) tuyên truyền chính sách pháp luật cho nhân dân.

“Dân vận phải nói thật, làm thật”

Đây là phương pháp của nhiều cán bộ làm công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc
số ở các địa phương trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Hà, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Bình cho biết, huyện Lâm Bình hiện có 10 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ rất quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng. Ban Dân vận Huyện ủy hướng dẫn Khối dân vận cơ sở thực hiện dân vận theo phương châm “nói thật, làm thật”. Bởi vì đồng bào dân tộc thiểu số chỉ tin và nghe theo cán bộ khi nói và làm đi đôi với nhau. Đồng chí Giàng Seo Dính, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối dân vận xã Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết, toàn xã có trên 60% đồng bào Mông sinh sống, ngoài ra còn có đồng bào Dao, Tày…

Tại những thôn xa xôi, khó khăn và đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trực tiếp đồng chí Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phụ trách và dự sinh hoạt chi bộ. Những năm qua, 100% người dân tộc Mông, Dao… ở đây đều tin tưởng và ủng hộ cao đối với các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Anh Dính cho biết: “Vận động đồng bào dân tộc thiểu số thì phải nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Nắm chắc rồi mới tuyên truyền. Khi không chắc thì không được hứa, được nói. Nếu như nói mà không có hoặc không làm thì bà con sẽ không còn tin cán bộ nữa. Lần sau đi vận động khó lắm!”. Với phương châm dân vận “nói thật, làm thật”, những cán bộ làm công tác dân vận như anh Dính đã vận động được người Mông, người Dao ở Xuân Lập từ bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa, xóa bỏ nhà tạm, dột nát để làm nhà trình tường, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.


Cán bộ Hội LHPN xã Xuân Lập (Lâm Bình) tuyên truyền pháp luật chống tảo hôn cho hội viên phụ nữ thôn Khuổi Củng.

Xã Minh Khương là điểm sáng trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Yên. Đồng chí Lê Nguyên Long, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, xã có trên 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác dân vận luôn được Đảng ủy đặt lên là nhiệm vụ hàng đầu. Nhiều năm liên tục, nhờ làm tốt công tác dân vận, trên địa bàn xã Minh Khương không có đơn thư vượt cấp. Khi xã triển khai vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp của để làm đường giao thông liên thôn, nhà văn hóa, người đứng đầu cấp ủy như anh Long trực tiếp xuống họp thôn cùng nhân dân để tuyên truyền, nói cho dân hiểu.

Những vướng mắc, băn khoăn của nhân dân về đất đai, chế độ, chính sách bất kể khi nào người dân cần chính quyền giải đáp, kể cả không phải ngày tiếp công dân, cán bộ lãnh đạo xã cũng gặp gỡ, ôn tồn giải thích, giải tỏa bức xúc cho nhân dân. Nhiều bí thư chi bộ, trưởng thôn đã gương mẫu đi đầu hiến đất của gia đình trước rồi mới vận động nhân dân thực hiện theo. Điển hình như tấm gương của Đồng chí Triệu Văn Xanh, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngòi Lộc đã hiến 1.350 m2 đất vườn để thôn làm nhà văn hóa. Chị Triệu Thị Tiến, dân tộc Dao, thôn Ngòi Lộc cho biết: “Cán bộ đi vận động, cán bộ hiến đất trước, dân mình tin tưởng cứ thế làm theo”.

Phối hợp chặt chẽ

Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức để tạo ra hiệu quả cao trong công tác này. MTTQ và các tổ chức đoàn thể  các cấp trong tỉnh đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhất là công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Từ đó tạo sự lan tỏa đến quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các xã, thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tổ chức đoàn thể đã quan tâm, chăm lo đời sống cho đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số. Thông qua đó đã làm tốt công tác dân vận, thu hút đông đảo nhân dân tham gia vào các tổ chức đoàn thể và các phong trào thi đua yêu nước.

Đồng chí Phương Huyền Sâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết, “bí quyết” để làm tốt công tác vận động, thu hút hội viên phụ nữ tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào của địa phương thời gian qua đó là luôn nắm bắt kịp thời đời sống của chị em phụ nữ, nhất là chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Những năm qua, Hội đã phối hợp với nhiều đơn vị mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, hỗ trợ chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số về giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đã mạnh dạn, tự tin hơn tham gia các hoạt động của thôn, xã. Đồng chí Đặng Văn Ánh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối dân vận xã Hoàng Khai cho hay, công tác dân vận là của cả hệ thống chính trị. Thường trực Đảng ủy luôn lãnh đạo thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong công tác dân vận. Các tổ chức đoàn thể là nòng cốt trong công tác dân vận. Trên địa bàn xã có đồng bào dân tộc thiểu số và là đồng bào tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Vì vậy, để làm tốt công tác dân vận, các tổ chức đoàn thể của xã luôn phải phối hợp chặt chẽ và chủ động.


Cán bộ Hội LHPN xã Hoàng Khai (Yên Sơn) vận động hội viên phụ nữ thôn Yên Thái chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Các tổ chức đoàn thể các cấp trong tỉnh đã phối hợp tốt trong đăng ký và xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở cơ sở. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 15 nghìn mô hình, nội dung, việc làm “Dân vận khéo”. Đó là các mô hình tự quản bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý rác thải của MTTQ, mô hình “5 không, 3 sạch”, “Xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” của Hội LHPN, các mô hình tự quản của Hội Cựu chiến binh, “Thắp sáng đường quê” của Đoàn Thanh niên…
Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Để đồng bào dân tộc thiểu số đồng thuận, tin tưởng, ngoài làm tốt công tác vận động, thuyết phục, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách, nghị quyết tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ người dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước như: Dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, các chương trình theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông qua việc triển khai các chương trình, dự án này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay, tạo thuận lợi cho người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 99% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia, 95% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng 934 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố, bê tông hóa 633 km đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa trên 1 nghìn km kênh mương. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với các nghị quyết, kết luận, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời chú trọng công tác đối thoại, tiếp xúc trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân tộc thiểu số.

Đồng chí Nguyễn Thị Tĩnh, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Hàm Yên cho biết, từ năm 2016 đến nay, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã tổ chức đối thoại 73 cuộc với nhân dân, trong đó chủ yếu đối thoại ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, qua đối thoại, nhiều kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xem xét giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Thông qua các cuộc đối thoại này, Ban Dân vận Huyện ủy cũng đã nắm bắt tình hình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tham mưu với Thường trực Huyện ủy trong nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào Mông.

Với phương pháp dân vận khéo léo, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận sâu sát cơ sở, kết hợp với việc thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số của cấp ủy các cấp trong tỉnh, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã bồi đắp niềm tin yêu của nhân dân với Đảng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần triển khai thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở cơ sở.

Bài, ảnh: Dương Cầm/ Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục