Dân thụ hưởng ở Tân Thành

- Đăng ký về đích nông thôn mới năm 2021, xã Tân Thành (Hàm Yên) đã phát huy tốt tinh thần người dân làm chủ thể trong thực hiện các tiêu chí. Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng", người dân đã đóng vai trò quyết định trong thực hiện chung sức xây dựng hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ghi dấu ấn vào công cuộc đổi mới tại địa phương.

Ấn tượng đầu tiên về nông thôn mới ở xã Tân Thành là những tuyến đường đất lầy lội, bụi mù ngày nào đã được thay thế bằng đường bê tông phẳng lỳ. Đồng bào người dân tộc Tày, Dao, Kinh nơi đây đoàn kết, bảo ban nhau chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa...

Đồng chí Đỗ Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tân Thành phấn khởi bảo: Tân Thành sẽ cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2021 bởi người dân trong xã đồng lòng, nỗ lực cùng cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện các tiêu chí. Những năm qua, xã đặc biệt quan tâm đến tiêu chí nền tảng đó là thu nhập, giảm nghèo, giao thông… nên đời sống của nhân dân cơ bản đã thay đổi theo hướng tốt lên.

Đường bê tông nông thôn tại thôn 2 Việt Thành, xã Tân Thành (Hàm Yên) vừa thi công trong tháng 9-2021.

Tại thôn 2 Việt Thành, những ngày qua người dân tập trung làm tuyến đường giao thông nội thôn bằng bê tông rộng 3 m dài trên 1.000 m. Trưởng thôn Triệu Ngọc Tam cho hay, để có con đường này, nhiều hộ dân đã tự nguyện đóng góp tiền mua vật liệu cát sỏi, tự nguyện hiến đất mở đường đủ tiêu chuẩn. Người dân hiểu nông thôn mới chính là cuộc sống tốt hơn, người dân được biết, được bàn, được làm và quan trọng nhất là người thụ hưởng nên dù còn khó khăn người dân cũng sẵn sàng “gánh” sức cùng với Nhà nước thực hiện các tiêu chí, để khó khăn chỉ hôm nay nhưng dễ cho những năm tháng sau này.

Ông Triệu Văn Vàng, người hiến đất, góp tiền làm tuyến đường dài hơn 500 m dẫn vào thôn cho biết, ông và 5 hộ dân có tuyến đường chạy qua đã góp mỗi hộ 20 triệu đồng mua cát sỏi, tham gia ngày công san mặt bằng và hiện đang tham gia đổ bê tông. Con đường sắp hoàn thành này là thành quả của sự nỗ lực, chung sức để mỗi người dân đều có dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới ở thôn, xã. Ông Vàng đang xây nhà, hiện đã vào giai đoạn hoàn thành, chi phí khoảng gần 500 triệu đồng, để có tiền đóng góp làm đường bê tông nông thôn ông đã quyết định bớt lại phần bếp để sang năm xây tiếp. Dù đang khó khăn nhưng tấm lòng vì việc chung của ông Vàng thật đáng quý, đó chính là sức mạnh của sự đồng thuận mà cấp ủy, chính quyền xã Tân Thành làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận.

Theo Chủ tịch UBND xã Đỗ Hữu Ngọc, để hoàn thiện từng tiêu chí theo lộ trình đề ra, xã Tân Thành đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã, Ban phát triển nông thôn các thôn, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện từng tiêu chí với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo phụ trách các thôn tuyên truyền, vận động người dân hiểu ý nghĩa, mục đích của chương trình và thực hiện 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân. Đến nay, xã đã hoàn thành 13 tiêu chí, 4 tiêu chí đến tháng 10-2021 sẽ hoàn thành và đến tháng 12-2021 sẽ cán đích 19 tiêu chí.

Ông Ngọc phân tích, đến hết tháng 9 - 2021 tiêu chí giao thông đã cơ bản hoàn thành, với trên 5 km được làm mới; tiêu chí nhà ở có 46 nhà được xây dựng mới, đã hoàn thành 40 nhà, còn 6 nhà đang làm; tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa có 19/20 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn, thôn Việt Thành 1 đang sửa chữa đảm bảo đủ tiêu chuẩn, nhà văn hóa xã đang thi công; tiêu chí giảm nghèo đã thực hiện quyết liệt với 60 hộ thoát nghèo trong 6 tháng - 2021. Hiện xã đang tập trung quyết liệt cho tiêu chí môi trường với những giải pháp cụ thể như rà soát phương án bảo vệ môi trường của 1.200 cơ sở sản xuất kinh doanh, quy hoạch 2 điểm trung chuyển rác, hợp đồng với Công ty Tâm Hà vận chuyển rác đi xử lý tại bãi rác của tỉnh. Đồng thời vận động người dân xây dựng 600 hố rác ủ hữu cơ tại hộ gia đình, trên 100 lò đốt rác tại hộ gia đình. Ngoài ra, UBND xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể xuống cơ sở hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, chỉnh trang vườn tược, cải tạo hệ thống tiêu, thoát nước…  

Trong quá trình triển khai thực hiện, để tạo sự đồng thuận trong dân, xã tổ chức xuống cơ sở họp dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Dẫn chúng tôi thăm mô hình chăn nuôi đại gia súc của anh Nguyễn Công Nghiệp, Giám đốc HTX Chăn nuôi đại gia súc Nghiệp Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Đặng Văn Bảo, cho biết: Xã mới thành lập thêm 2 HTX là HTX cá Sông Lô có 34 lồng cá với 12 hộ thành viên và HTX Chăn nuôi đại gia súc Nghiệp Thành với 150 con bò, trâu với 15 hộ thành viên, nâng tổng số HTX của xã lên 6 HTX. Mô hình HTX kiểu mới này đang phát huy hiệu quả tại địa phương, giúp người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo chuỗi, gia tăng về giá trị.


Mô hình nuôi bò của anh Nguyễn Công Nghiệp, Giám đốc HTX Chăn nuôi đại gia súc Nghiệp Thành.

Điển hình như anh Nguyễn Công Nghiệp trước đây là hộ chăn nuôi gia súc lớn, lợi nhuận khá tốt, khoảng 135 triệu đồng/năm. Anh Nghiệp cho biết, anh nuôi chủ yếu là bò vừa bò vỗ béo, bò sinh sản, bò phối giống. Trước chưa thành lập HTX, anh bán cho thương lái, còn giờ anh có thể bán cho nhiều nơi, nhất là những nơi minh bạch về nguồn gốc vì có con dấu, hóa đơn đầy đủ. Vì thế mà giá cả cũng cao hơn, dễ tiêu thụ hơn. Về lâu dài, anh cùng anh em thành viên sẽ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm chăn nuôi của hợp tác xã. Chính nghĩ đến việc phát triển lâu dài nên giờ người dân đã cùng phát triển để thành hàng hóa.

Sự chủ động của người dân trong phát triển kinh tế, cùng với sự định hướng của các cấp chính quyền, Tân Thành đã tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, xã có gần 1.000 ha cam các loại, hơn 159 ha chè, có hơn 34 lồng cá chiên đặc sản Sông Lô, 1.000 con đại gia súc, hơn 6.000 con gia cầm các loại. Nhờ đó, tỷ lệ người dân có mức sống khá giàu đạt trên 60%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 36.000 triệu đồng/người/năm.

Mặc dù còn nhiều khó khăn ở phía trước, song cùng với sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống trị, sự đồng thuận ủng hộ của người dân, diện mạo nông thôn ở Tân Thành ngày một khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.  

Bài, ảnh: Trang Tâm/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục