Phát huy sức trẻ trong xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, với tinh thần xung kích, nhiệt huyết, đã có nhiều tấm gương thanh niên với tinh thần quyết tâm cao, năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, xây dựng thành công các mô hình kinh tế nhằm làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới ở xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang.

Đoàn xã Kim Phú hiện có 198 đoàn viên, sinh hoạt ở 31 chi đoàn. Xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của tuổi trẻ trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua Đoàn xã Kim Phú đã triển khai những việc làm cụ thể, trong đó chú trọng đồng hành với thanh niên lập nghiệp vươn lên phát triển kinh tế. Đồng chí Lâm Thị Thúy Giang, Bí thư Đoàn xã Kim Phú cho biết: Phấn đấu hết năm 2021 xã Kim Phú đạt chuẩn NTM nâng cao, thời gian tới, Đoàn xã sẽ tăng cường vận động, xây dựng mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên gắn với phát triển cây trồng chủ lực của xã là cây ổi, bưởi và nuôi thủy sản, phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong các mô hình kinh tế tập thể nhằm nâng cao thu nhập. Hiện nay, Đoàn xã phụ trách 6 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ trên 6 tỷ đồng cho 226 người vay. Số hộ đoàn viên, thanh niên được vay vốn là 12 hộ với tổng dư nợ là 400 triệu đồng.


Mô hình sản xuất ốc nhồi ống lam của đoàn viên Nguyễn Văn Thắng, thôn 18, xã Kim Phú

Không chỉ hỗ trợ, khuyến khích đoàn viên làm giàu, những năm qua, Đoàn xã Kim Phú còn tuyên truyền, vận động thanh niên có hoài bão, sáng tạo mạnh dạn lập thân, lập nghiệp. nhiều đoàn viên thanh niên chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả như mô hình trồng cây ăn quả, mô hình nuôi lợn thịt và mô hình sản xuất ốc nhồi ốc lam...Với mơ ước và khát vọng được cống hiến sức trẻ cho quê hương cùng ý chí, hoài bão vươn lên trong lập thân lập nghiệp và xây dựng NTM. Những năm qua, cũng như nhiều thanh niên trên địa bàn xã, đoàn viên Nguyễn Văn Thắng, thôn 18 xã Kim Phú đã và đang tự xây dựng được công việc, cuộc sống cho lao động địa phương và bản thân mình. Anh Thắng chia sẻ: Trước đây việc làm ốc nhồi ống lam chủ yếu là do gia đình mình tự làm, sau thì được thị trường đón nhận sản phẩm nên tôi cũng đã mạnh dạn mở rộng hơn diện tích để làm xưởng sản xuất. Trong quá trình sản xuất mình quan tâm nhất là khâu an toàn thực phẩm vì con ốc rất dễ ôi thiu nên những người lao động tại đây đều được trang bị khẩu trang, găng tay. Trung bình mỗi ngày gia đình bán ra thị trường từ 600-1000 khay ốc nhồi, thị trường tiêu thụ hiện nay không chỉ trong thành phố Tuyên Quang mà đã được nhiều tỉnh thành trên cả nước đón nhận và đặt mua.     

     Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua có thể khẳng định, từ việc phát huy tốt vai trò của mình, các mô hình của các đoàn viên thanh niên đã góp phần giúp thanh niên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời góp một phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng NTM tại địa phương./.

Bài, ảnh: Duy Khanh/Trung tâm VH, TT và TT thành phố

Tin cùng chuyên mục