Đổi thay ở bản vùng cao

Thôn Đống Đa xã Thượng Nông (Na Hang) đẹp như bức tranh vùng sơn cước. Ở đây có những ngôi nhà sàn cổ lợp ngói âm dương tựa kề chân núi, phía trước là cánh đồng lúa xếp thành từng lớp xanh mướt. Những năm gần đây nhờ có phong trào xây dựng nông thôn mới đời sống của bà con trong thôn đã có nhiều đổi thay.

Chè Shan tuyết được chế biến tại gia đình anh Nguyễn Văn Xuân thôn Đông Đa

Xóa bỏ lời nguyền

Thôn Đống Đa có địa thế đẹp, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào nên đồng bào Tày đã sớm định cư lập làng. Ông Nguyễn Vi Lâm năm nay đã gần 70 tuổi kể rằng, từ nhỏ ông đã sinh ra và lớn lên ở đây. Nhiều năm trước thôn chỉ có hơn chục nóc nhà, phía sau thôn là cánh rừng già, nhiều đêm vẫn còn nghe được tiếng hổ gầm. Trong thôn còn có hang đá gọi là hang Nặm Pó. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia có 2 mẹ con bà Mụ sống trong hang. Hang có mỏ dầu và mỏ muối, cứ hết dầu, hết muối bà con lại vào hang lấy. Tiếng về mỏ dầu, mỏ muối trong hang đồn xa, bà con khắp vùng về tranh nhau lấy lại còn dẫm đạp lên con bà Mụ. Vì thế mà bà Mụ bỏ đi, mỏ dầu, mỏ muối biến thành đá. Từ khi bà Mụ bỏ đi kèm theo lời nguyền khiến dân bàn thường xuyên mất mùa, thiếu đói. Ngày nay trong hang vẫn còn dấu tích cũ mỏ dầu, mỏ muối và bà Mụ cõng con bằng đá.

Ông Nông Văn Canh, thôn Đống Đa năm nay đã 76 tuổi nhớ lại nhiều năm trước đây, cánh đồng Bản Mù mỗi năm chỉ cấy được một vụ, năng suất thấp đã vậy còn thường xuyên lũ lụt, mất mùa nên chả nhà nào đủ ăn, cứ đến kỳ giáp hạt là bà con lại phải vào rừng lấy măng, đào củ mài ăn tạm. Việc trị thủy ở cánh đồng Bản Mù là một công việc trường kỳ trong nhiều năm đối với bà con. Giờ đây hệ thống kênh mương dẫn nước đã được cứng hóa. Cánh đồng Bản Mù không còn độc canh 1 vụ như trước mà làm được cả 3 vụ cũng không bị mất mùa. Đường làng cũng đã được bê tông hóa, nhà văn hóa thôn cũng đã làm, công việc làm nông đã có cơ giới hóa, cuộc sống của bà con đã đổi thay nhiều. Con đường bê tông trước cửa nay đã được lắp hệ thống điện chiếu sáng, trồng hoa ven đường. Cuộc sống của bà con trong thôn đã thay đổi nhiều ngày càng văn hóa, văn minh. Lời nguyền của bà Mụ ngày nay đã được hóa giải.

Bản làng đổi mới

Chúng tôi có mặt tại thôn Đống Đa đúng lúc Chi bộ đảng của thôn đang tổ chức buổi sinh hoạt. Anh Nông Văn Bảo, Bí thư Chi bộ cho biết, hôm nay chi bộ họp bàn thống nhất lãnh đạo nhân dân đăng ký giống cho vụ mùa, kịp thời lên phương án cho sản xuất vụ đông. Mục tiêu của Chi bộ năm nay phấn đấu lãnh đạo bà con trong thôn thực hiện ít nhất là 2ha diện tích trồng cây vụ đông. Việc khác nữa là thống nhất khoản đóng góp của các hộ để xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt. 100% bà con trong thôn nhất trí phải thực hiện việc xử lý rác thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Nổi bật nhất trong thôn là hiện nay bà con đã thay đổi thói quen trong sản xuất, hướng tới sản xuất hàng hóa, đặc biệt là phát triển cây lúa nếp. Mấy năm trước khi xã có chủ trương phát triển diện tích trồng cây lúa nếp thành sản phẩm hàng hóa, tất cả các đảng viên trong thôn đăng ký thực hiện trước. Hiệu quả đem lại cao gấp đôi lúa tẻ, giá bán hiện nay 350.000 đồng/kg. Nhờ vậy đến nay, các hộ trồng lúa tẻ để đảm bảo lương thực còn lại đều trồng lúa nếp để bán hiện thôn có trên 12ha lúa nếp. Nhờ đó đã góp phẩn cải thiện đáng kể thu nhập cho bà con.

Nhiều năm trước, cây chè shan tuyết chỉ là thứ cây mọc hoang trên rừng. Tiếc của, anh Nguyễn Văn Xuân tính việc đi học cách làm chè rồi về cải tạo phần diện tích chè của gia đình. Giờ đây, việc chăm sóc, chế biến chè shan tuyết đã trở thành một nghề chính đem lại thu nhập mỗi năm cho gia đình anh Xuân hàng trăm triệu đồng. Anh Xuân cho biết, sau khi tìm hiểu, mình tiến hành tốn tỉa cành cho tán chè thấp xuống dễ dàng thu hái. Mỗi tháng thu hái khoảng 3 đến 4 lần, mỗi lần được khoảng 150kg chè tươi, sau khi chế biến được 7,5kg chè khô, giá bán hiện nay được 200.000 đồng/kg. Nhờ làm chè mà anh Xuân đã xây được ngôi nhà kiên có trị giá hơn nửa tỷ đồng. Anh bảo, nếu không làm chè thì chắc khó có tiền để xây nhà mới. Hiện nay trong thôn cũng hàng chục hộ làm chè giống hộ gia đình anh Xuân.

Chăn nuôi trong thôn cũng đang phát triển mạnh, nhờ lợi thế thôn có con suối chảy từ đầu đến cuối thôn nên nhà nào cũng nuôi vịt suối, nhà nhiều thì trăm con, nhà ít cũng vài chục con. Nhiều hộ tập trung vào chăn nuôi lợn điển hình như gia đình chị Lê Thị Vương, Nguyễn Thị Yến thường xuyên duy trì tổng đàn từ 30 đến 40 con lợn tạ.

Đống Đa không chỉ vươn lên mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng nông thôn mà còn là điểm sáng về giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp văn hóa. Những năm gần đây thôn đã bỏ được nhiều những hủ tục lạc hậu. Đám tang không còn ăn uống linh đình tốn kém như trước nữa. Phong tục cưới hỏi cũng được tổ chức tiết kiệm. Ngoài những ngôi nhà sàn cổ, người dân còn gìn giữ được những nghề truyền thống như nấu rượu ngô men lá, trồng bông, dệt vải, nhuộm sợi… Hầu hết phụ nữ trong thôn đều biết dệt vải, làm cốm, làm các loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh dày, bánh gai… Nhiều hộ vẫn tiếp tục trồng bông, để giữ nghề dệt vải. Xã và thôn tích cực vận động chị em trong thôn, bản khôi phục nghề truyền thống này. Đống Đa đang đổi thay từng ngày.

Bài, ảnh: Hà Huế /Nahang.tuyenquang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục