Đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn: Cần “chữa bệnh” từ gốc

Vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí có số xã đạt chuẩn thấp nhất. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh mới chỉ có 30 xã đạt tiêu chí này. Để nâng cao số xã đạt chuẩn tiêu chí vệ sinh môi trường, cần “chữa bệnh” từ gốc, vì điều này phụ thuộc nhiều vào ý thức người dân.

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vì tiêu chí vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm phụ thuộc chủ yếu vào ý thức người dân, nên để hoàn thành tiêu chí này, cần phát huy chính sự chủ động của người dân. Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cần huy động nguồn lực trong dân cùng tham gia thành lập tổ, đội thu gom, thu phí rác thải, mua phương tiện chuyên chở rác thải về đúng nơi xử lý để tránh ô nhiễm.


Người dân xã Lực Hành (Yên Sơn) ra quân vệ sinh đường làng ngõ xóm.  Ảnh Thu Hằng

Thôn Lâm Sơn, xã Trung Sơn (Yên Sơn) hiện là thôn duy nhất của xã đã đạt 18/19 tiêu chí nông thôn mới, chỉ còn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa chưa hoàn thành. Bí thư Chi bộ thôn Đỗ Đức Hoán cho biết, mặc dù Trung Sơn chưa có kế hoạch về đích nông thôn mới, nhưng Lâm Sơn xác định phải đi đầu trong mọi phong trào, nhất là vệ sinh môi trường, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con. Môi trường có xanh, sạch, thì bà con mới khỏe.

Vì vậy, từ đầu năm 2018, thôn đã thành lập được 2 tổ tự quản về vệ sinh môi trường, trong đó 1 tổ của hội người cao tuổi, 1 tổ của đoàn viên, thanh niên và nhân dân. Ông Hoán cho biết, các tổ tự quản ra quân quét dọn vệ sinh môi trường 1 lần/tuần, dọn vệ sinh dọc tuyến đường thôn… Lâm Sơn cũng là thôn đầu tiên của xã Trung Sơn xây dựng được tuyến đường điện theo chương trình thắp sáng đường quê dài 1,6 km. Từ mô hình của Lâm Sơn, hiện đã có thôn Nà Ho học tập xây dựng mô hình tự quản về vệ sinh môi trường và thắp sáng đường quê.

Xã Cấp Tiến (Sơn Dương) là một trong 7 xã có kế hoạch về đích nông thôn mới năm nay. Ngoài những tiêu chí về hạ tầng như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư… thì vệ sinh môi trường hiện là 1 trong 5 tiêu chí xã đang nỗ lực hoàn thành trong những tháng cuối năm. Ông Phan Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến cho biết, hiện xã đã thành lập được 9 tổ tự quản vệ sinh môi trường nông thôn tại 9 thôn. Các thôn này cũng thống nhất ngày tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm 1 lần/tháng.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay ở các địa phương là việc xử lý rác thải. Toàn tỉnh hiện mới chỉ có 8 điểm thu gom rác, 12 bãi xử lý rác. Việc thu gom, xử lý rác tại các xã còn lại vẫn thực hiện theo hình thức tự chôn lấp, tự xử lý. Xã Cấp Tiến hiện vẫn chưa quy hoạch được điểm thu gom, xử lý rác thải tập trung, nên toàn bộ rác thải sinh hoạt của người dân được xã khuyến khích tự xử lý theo hình thức đào hố chôn lấp. Hình thức này chỉ được thực hiện với rác thải có thể phân hủy, trong khi rác thải nhựa chiếm khá cao lại chưa có hình thức xử lý. Trước đó, UBND xã đã làm việc với Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang để thu gom rác thải, nhưng vì đơn giá khá cao (50 nghìn đồng/hộ/tháng), không phù hợp với người dân nông thôn, nên chưa thống nhất được.

Báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2015 đến nay, người dân các xã trong tỉnh đã xây dựng 11.236 công trình vệ sinh môi trường, bao gồm 652 công trình cấp nước tập trung và nhỏ lẻ, 30 công trình nghĩa trang, 2.710 nhà tắm, 4.272 nhà tiêu, 2.548 hầm biogas, 1.004 chuồng trại chăn nuôi, 8 điểm thu gom rác, 12 bãi xử lý rác thải. Ngoài bãi rác Nhữ Khê (Yên Sơn) thực hiện theo hình thức chôn lấp, toàn tỉnh mới đầu tư 4 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt bằng khí tự nhiên với công suất từ 150 - 500 kg/giờ, gồm lò đốt tại xã Tân Trào (Sơn Dương), lò đốt rác tại thôn Khuổi Soỏm, xã Năng Khả (Na Hang), lò đốt tại bãi rác của huyện Chiêm Hóa và lò đốt rác tại thôn Bản Thàng, xã Phúc Yên (Lâm Bình).

Ý thức người dân, cùng với việc nâng cấp hệ thống xử lý rác thải được xem là giải pháp tối ưu đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực nông thôn. Khi đây không chỉ là tiêu chí quan trọng để các địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, mà còn trực tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua hành động vì môi trường nông thôn bền vững.

Bài, ảnh: Trần Liên/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục